Ván cờ người - Ấn tượng từ văn học về chốn quan trường

26-04-2011 08:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

“Không sock, không sex, không sến mà vẫn bestseller” - đó là lời giới thiệu đầy hấp dẫn với độc giả về cuốn Ván cờ người của nhà văn Vương Thụ Hưng (Trung Quốc) – một tác phẩm được xếp vào dòng văn học chốn quan trường.

“Không sock, không sex, không sến mà vẫn bestseller” - đó là lời giới thiệu đầy hấp dẫn với độc giả về cuốn Ván cờ người của nhà văn Vương Thụ Hưng (Trung Quốc) – một tác phẩm được xếp vào dòng văn học chốn quan trường.

Vương Thụ Hưng người Giang Tô, hiện tại sống ở Bắc Kinh, là nhà văn, hội viên Hiệp hội nhà văn Trung Quốc. Ông đã có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, trong đó có thể loại truyện dài và tiểu thuyết.

Có lẽ đối với nhiều độc giả VN, dòng văn học quan trường còn là khái niệm mới mẻ. Có rất nhiều điều bí ẩn ở dòng văn học này bởi nó vén được bức màn bí mật trong đời sống của các quan chức - ở đó có sự lừa gạt, dối trá, cả sự bằng mặt nhưng không bằng lòng ở chốn quan trường. Tác giả Vương Thụ Hưng trong Ván cờ người đã phơi bày chốn quan trường đầy sóng gió ấy thông qua mối quan hệ nhân sinh giữa con người với con người qua một ván bài. Mỗi quốc gia đều có những thú vui đặc trưng, nước Anh là quần vợt, Mỹ là bóng chày, Nhật Bản là kiếm thuật thì ở Trung Quốc lại phổ biến trò chơi mạt chược. Người chơi thường là những người giàu sang hay quan chức và cũng có không ít những nhà lãnh đạo cấp cao. Ở đó có những cao thủ chơi mạt chược và đằng sau “bộ mặt thật” của những cao thủ ấy sẽ hiện lên một xã hội hiện thực của Trung Quốc qua mỗi tính cách, lối sống và thú đam mê của họ.

Trong Ván cờ người, Vương Thụ Hưng xây dựng câu chuyện xoay quanh cuộc sống của ba nhân vật Hồ Bằng, Trình Văn Hòa và Dương Oánh Oánh. Hồ Bằng là một người chơi bài rất giỏi nhưng chưa bao giờ anh ta chơi lớn. Văn Hòa làm việc tại ngân hàng, vì mải chơi mạt chược mà bỏ vợ là Dương Oánh Oánh ở nhà. Buồn chán, Dương Oánh Oánh đã mời Hồ Bằng đến nhà chơi mạt chược để giải sầu. Kể từ đó, cuộc sống gia đình và con đường công danh của các nhân vật này bị biến động. Trình Văn Hòa phải vào tù vì tội tham ô, nhận hối lộ dẫn đến sự chấn động ở chốn quan trường.

Điều làm nên sức nóng của các tác phẩm dòng văn học quan trường ở Trung Quốc là tái hiện khá chân thực về đời sống sinh hoạt của nhân dân và hiện thực xã hội Trung Quốc. Có thể những tác phẩm này không mang lại giá trị văn học nhiều cho người đọc, nhưng nó giúp người ta giải tỏa được nhiều bức xúc về xã hội. Được biết năm 2010, ở Trung Quốc có 20.000 nhà văn, nhưng trong số 20 nhà văn được xếp loại có thu nhập khá nhất bằng văn chương thì có 2 nhà văn viết dòng văn học quan trường. Điều đó chứng tỏ sức sống của dòng văn học quan trường ở Trung Quốc rất lớn. Thế nhưng có một thực tế là, trong khi ở phương Đông, sự xuất hiện của những quan tham lại “có đất sống” trong các tác phẩm văn học thì ở phương Tây, tiểu thuyết chốn quan trường lại dường như vắng bóng. Sẽ có nhiều lý giải về dòng văn học đậm chất hiện thực này với hiện thực cuộc sống giữa các quốc gia trên thế giới.

Ở VN, dòng văn học quan trường với những motip tham nhũng, hối lộ, quyền, tiền, gái  trên bàn nhậu… chưa phát triển mà mới chỉ được đề cập trong các phim Cảnh sát hình sự, Chạy án. Một phần vì các nhà văn VN thường đi vào những vấn đề triết lý cao siêu, những đề tài giật gân câu khách như tình - tiền - tù - tội và gần đây là đồng tính. Các tác phẩm thuộc dòng văn học quan trường vào VN còn ít. Vì thế bà Trần Lệ Thu (Phó Giám đốc nhà sách Đinh Tị) cho rằng: “Chọn tiểu thuyết thuộc dòng văn học quan trường còn mới mẻ để dịch ra ở VN với mong muốn độc giả VN không bị tụt hậu với độc giả nước ngoài”.          
Khánh Vy

Ý kiến của bạn