Hà Nội

Vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ vật liệu nổ: Hiểm họa khôn lường

17-06-2015 07:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng một số địa phương trong cả nước liên tiếp ngăn chặn, bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ thuốc nổ, vật liệu nổ của nhiều đối tượng.

Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng một số địa phương trong cả nước liên tiếp ngăn chặn, bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ thuốc nổ, vật liệu nổ của nhiều đối tượng. Hành vi này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng của người dân và an ninh trật tự an toàn xã hội…

Nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh vật liệu nổ bị phát hiện

Mới đây, ngày 13/6, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan này vừa bắt quả tang vụ vận chuyển, mua bán 445 kg vật liệu nổ trên đường Hồ Chí Minh. Đối tượng khai là Võ Văn Đạt, 53 tuổi, trú tại thôn 6, xã Hải Thái (Gio Linh) cùng con rể là Trần Đình Tiến, 32 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) sử dụng xe ôtô 7 chỗ mang BKS 74A- 013.35 chạy đến một địa điểm hẹn trước trên đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Hải Thái). Lúc này, xe ôtô tải mang BKS 34C- 070.55, do Nguyễn Văn Tin, 37 tuổi, trú tại xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương) điều khiển đến địa điểm nhận hàng. Khi đang bốc dỡ 11 bao tải thuốc nổ từ xe ôtô mang BKS 74A-013.35 sang xe ôtô tải mang BKS 34C-070.55 thì bị lực lượng công an ập đến bắt quả tang thu giữ số lượng lên đến 445kg vật liệu nổ.

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đang kiểm đếm số lượng thuốc nổ vừa thu được.

Trước đó, nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh vật liệu nổ này đã bị các lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 20/5, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng vừa bắt quả tang Lý Thị Thanh Tâm (47 tuổi, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vận chuyển trái phép 50kg thuốc nổ dạng thỏi đi tiêu thụ. Bước đầu, Tâm khai vận chuyển thuê số thuốc nổ này cho một người không quen biết để lấy tiền công.

Vào tối 24/4, tại Km 135 500 Quốc lộ 12A, thuộc bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), lực lượng chức năng thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình phát hiện, bắt giữ một đối tượng cùng 50kg thuốc nổ buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới. Qua kiểm tra 2 bao hàng, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa một loại chất rắn, dạng cục, màu xanh xám có trọng lượng 50kg. Loại chất rắn này là thuốc nổ do Đinh Văn Biền cùng hai đối tượng Đinh Thanh Long và Đinh Bá Duy, ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa mua từ Lào đưa về Việt Nam bán kiếm lời.

Cần xử phạt nghiêm minh

Hiện nay, theo tìm hiểu, tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép chưa được ngăn chặn triệt để; công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất vật liệu nổ còn nhiều sơ hở, bất cập. Bên cạnh đó, mức xử phạt còn chưa tương xứng với hành vi vi phạm, dẫn đến tình trạng vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ vật liệu nổ vẫn có chiều hướng gia tăng.

Liên quan đến vụ việc vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ vật liệu nổ, mới đây Công an huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã tống đạt quyết định bắt tạm giam Nguyễn Đình Tráng (32 tuổi, ngụ xã Liên Bạt, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) về hành vi “Mua bán trái phép vật liệu nổ”; khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Lệ (72 tuổi, ngụ Thanh Oai) là nghệ nhân làm pháo, điều tra về hành vi “Chế tạo trái phép vật liệu nổ”. Tuy nhiên, do điều kiện tuổi cao sức yếu, ông Lệ được tại ngoại. Trước đó, quá trình trinh sát, Công an huyện Thanh Oai đã phát hiện, bắt quả tang Tráng đang mua 1.000 tờ kíp giấy của ông Lệ với giá 6.500 đồng/tờ.

Trao đổi với luật sư Hoàng Mạnh Hùng, Phó đại diện Văn phòng Luật sư Việt Thành, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, theo Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì cá nhân có hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối đa lên đến 40.000.000 đồng (đối với cá nhân), 80.000.000 đồng (đối với tổ chức). Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2009) cũng quy định: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị truy tố theo Điều 232 Bộ luật hình sự.

Nhằm hạn chế các vụ phạm pháp có nguy cơ ngày càng gia tăng, việc tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân là việc làm cần thiết. Việc tăng cường kiểm tra phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép và nhập lậu, mua bán, vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, đồng thời phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế các vụ vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ vận liệu nổ có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua.

Trần Trọng

 

 


Ý kiến của bạn