Trong những tháng đã qua của năm nay, lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết hoạt động vận tải trên các lĩnh vực bảo đảm chất lượng dịch vụ, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 12/12, theo báo cáo của Vụ Vận tải, trong 11 tháng qua của năm nay, vận tải hàng hóa ước đạt 2.420 triệu tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, cả 5 phương thức vận tải (gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và hàng hải) đều tăng trưởng ấn tượng như hàng không tăng 39,1%, đường biển tăng 16%, đường bộ tăng 14,9%.
Vận chuyển hành khách ước đạt 4.597 triệu lượt khách, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ có hàng không giảm 7,3%, còn lại đều tăng trưởng.
“Nguyên nhân do giá vé máy bay tại một số tháng trong năm tăng cao do vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất tàu bay gây thiếu hụt máy bay và những biến động tăng của tỷ giá ngoại tệ, tăng giá nhiên liệu hàng không làm cho chi phí quản lý, vận hành tăng theo, điều này đã tác động đến sản lượng vận chuyển hành khách của ngành Hàng không,” lãnh đạo Vụ Vận tải đánh giá.
Thống kê của Vụ Vận tải cho thấy tính đến nay, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 216 máy bay, giảm 31 máy bay so với cùng kỳ 2023. Tổng số phương tiện đường thủy nội địa đã đăng ký là trên 259.000 phương tiện, với tổng trọng tải trên 23,8 triện tấn.
Tổng số tàu biển, phương tiện đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam là 1.508. Trong đó, đội tàu biển là 1.449 tàu (còn lại là phương tiện khác), với tổng trọng tải (DWT) khoảng 13,7 triệu tấn.
Đường sắt khổ 1m (có tổng số có 436 đầu máy, 1.050 toa chở khách và 5.659 toa chở hàng); đường sắt khổ 1,435m (có 4 đầu máy, 15 toa chở khách và 334 toa chở hàng); đường sắt đô thị (40 đoàn tàu với 143 toa).
Về đường bộ, toàn quốc hiện có trên 6,6 triệu xe ôtô, trong đó xe ôtô kinh doanh có trên 966.000 xe (371.000 xe khách, 595.000 xe tải), chiếm tỷ lệ gần 15% tổng số xe ôtô.
“Hoạt động vận tải trên các lĩnh vực bảo đảm chất lượng dịch vụ, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là vào các giai đoạn cao điểm trong năm; tốc độ tăng trưởng dịch vụ vận tải bình quân luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) và đạt mức tăng trưởng hai con số,” lãnh đạo Vụ Vận tải nhìn nhận./.