Văn chương Cách mạng với đề tài chiến tranh và người lính

21-12-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta đã đi vào quá vãng từ lâu nhưng những ấn tượng về chiến tranh đối với nhiều thế hệ nhà văn không dễ phai mờ.

Dù cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta đã đi vào quá vãng từ lâu nhưng những ấn tượng về chiến tranh đối với nhiều thế hệ nhà văn không dễ phai mờ. Chiến tranh. Vâng! Đấy là những thời đoạn vô cùng hào hùng và khốc liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến tranh đã tạo ra cho con người một cuộc sống khác, khiến bất kỳ ai đã từng trải qua sẽ chẳng thể nào quên được những thời đoạn lịch sử ấy.

Văn chương thời kỳ chống Pháp…

Văn chương Cách mạng thời kỳ chống Pháp phần lớn được tạo nên từ đề tài chiến tranh và người lính. Thật ít có người quan tâm đến văn chương Cách mạng chống Pháp lại có thể quên được các tác phẩm có tính chất kinh điển của thời kỳ này như: tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của Tố Hữu; bài thơ Đất nước và tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi; bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan; trường ca Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; các bài thơ Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng…

​Văn chương Cách mạng luôn có chỗ đứng trang trọng trong tâm hồn mỗi người dân Việt.

Hình tượng người lính trong văn chương giai đoạn này thật thà, chất phác và rất hồn nhiên. Người nông dân và tri thức đi đánh đuổi giặc thù cứu nước trong gian khổ, hy sinh mà đầy ắp tiếng cười như một chuyến đi xa dài ngày. Hình ảnh người lính thể hiện rõ nhất trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn, quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ…”.

Có thể nói, cuộc chiến tranh chống Pháp là một cuộc chiến tranh nhân dân mà ở đó người dân vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc cùng với đồng bào cả nước là chủ thể của cuộc kháng chiến ấy dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng kính yêu và Bác Hồ vĩ đại, từng bước đã đi đến thắng lợi cuối cùng kết thúc bằng “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Trong bức tranh toàn bích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ” là một điểm nhấn vô cùng quan trọng và được nổi lên như một hình tượng trung tâm của văn chương giai đoạn này. Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nhà thơ Tố Hữu đã có một bài tổng kết bằng thơ mang tên Việt Bắc với những vần thơ còn lắng mãi với thời gian: “Nhớ khi giặc đến giặc lùng/ Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây...”. (Việt Bắc).

Và hình tượng người chỉ huy tối cao cuộc chiến tranh nhân dân này chính là Bác Hồ kính yêu được nhà thơ Tố Hữu vẽ nên thật sinh động với vẻ đẹp lạ thường trên đường đi chiến dịch. Khi kết thúc thắng lợi, Bác và Chính phủ trở về Thủ đô yêu dấu, để lại bao lưu luyến nhớ thương cho đồng bào: Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người/ Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người... (Việt Bắc).

và thời kỳ chống Mỹ

Đến thời kỳ chống Mỹ, những cây bút từ thời kỳ chống Pháp dần bước vào độ chín, viết nên nhiều tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật, góp phần tích cực vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một điều nữa không thể không nói tới là giai đoạn chống Mỹ, lực lượng các nhà văn trẻ được bổ sung đáng kể, chẳng hạn như: Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy... Đội ngũ các nhà văn mặc áo lính trở nên hùng hậu hơn và tác chiến trên nhiều binh chủng khác nhau như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ...

Tiểu thuyết được coi là những cỗ trọng pháo của một thời kỳ, giai đoạn hay bất kỳ một nền văn chương nào. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã sản sinh ra nhiều tiểu thuyết có giá trị như: Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu; Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi; Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành; Hòn Đất của Anh Đức; Con đường xuyên rừng của Lê Văn Thảo...

Đặc biệt, bộ tiểu thuyết Đường thời đại của nhà văn Đặng Đình Loan gồm 17 tập. Đây là một trong những bộ tiểu thuyết tư liệu lịch sử viết về đề tài chiến tranh nhân dân mang đậm chất sử thi hoành tráng nhất của văn chương Việt Nam viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Với cái nhìn của người trong cuộc, thông qua các sự kiện lịch sử, tác giả đã tái hiện lại một cách đầy đủ và chi tiết nhất về cuộc kháng chiến ấy cũng như về số phận những con người đã từng đi tới và bước ra từ cuộc chiến ấy quả thật không dễ dàng chút nào.

Thể loại trường ca ở thời kỳ văn chương chống Mỹ cứu nước đã gặt hái được nhiều thành công. Trường ca Bài ca chim Chơ Rao của nhà thơ Thu Bồn mang đậm chất sử thi hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên, cái nôi của những trường ca cổ đại như: Đam San, Xing Nhã, Đam-ti-ông... đã được cả thế giới biết đến. Trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh; Những người đi tới biển của nhà thơ Thanh Thảo; Sông núi trên vai của nhà thơ Anh Ngọc; Lửa mùa hong áo của nhà thơ Lê Thị Mây...

Các nhà văn, nhà thơ của hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ với những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà, theo đó cũng được vinh danh xứng đáng. Ngay cả số người được Giải thưởng Nhà nước về Văn chương trong 3 đợt (2000, 2007 và 2012) với trên 140 nhà văn cũng hầu hết đều đã từng mặc áo lính trực tiếp chiến đấu trên trận tuyến chống quân thù. Một số nhà văn đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đánh Mỹ như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… và có người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong.

Vĩ thanh

Có thể nói, cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc ta chống lại kẻ thù xâm lược là Pháp và Mỹ cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc và trên biển Đông là nguồn cội vô tận sản sinh ra nhiều thế hệ nhà văn tài ba vừa tràn đầy tinh thần yêu nước, thương dân, vừa hết lòng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong dựng xây đất nước hôm nay.            

  Đỗ Ngọc Yên

 

 

 


Ý kiến của bạn