Hà Nội

Vẫn chưa thể trình giấy tờ xe trên VNeID khi bị CSGT kiểm tra, vì sao?

27-09-2023 15:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Đối với các trường hợp vi phạm giao thông thì người dân không thể xuất trình giấy tờ xe trên VNeID mà bắt buộc phải trình giấy tờ bản gốc để kiểm tra, xử lý.

CSGT không bắt buộc phải ‘Chào ông, bà, anh chị…’  khi yêu cầu dừng, kiểm tra phương tiệnCSGT không bắt buộc phải ‘Chào ông, bà, anh chị…’ khi yêu cầu dừng, kiểm tra phương tiện

SKĐS - Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, lực lượng CSGT khi dừng xe để kiểm tra phương tiện vẫn phải chào bằng điều lệnh nhưng bỏ quy định bắt buộc phải chào bằng lời nói.

Theo Điều 18 Thông tư 32/2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9) quy định về kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông có nêu rõ, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ, thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong VNeID có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

Trường hợp người điều khiển xe giao thông xuất trình các giấy tờ thì cán bộ chức năng kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó. Còn nếu người điều khiển cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản VNeID thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản này.

Vẫn chưa thể trình giấy tờ xe trên VNeID khi bị CSGT kiểm tra - Ảnh 2.

Trong đa phần các trường hợp cần xuất trình giấy tờ xe để CSGT kiểm tra thì việc sử dụng giấy tờ online trên VNeID vẫn còn hạn chế, người dân được khuyến cáo mang đầy đủ giấy tờ xe bản gốc khi tham gia lưu thông trên đường.

Điều 33 Dự thảo (lần 4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến cũng đề cập việc này. Theo đó, trường hợp thông tin các loại giấy tờ xe như đăng ký xe, giấy phép lái xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, thì người điều khiển không cần mang theo giấy tờ gốc.

Đối với cảnh sát giao thông (CSGT), dự thảo lần 4 cũng quy định khi tuần tra kiểm soát, nếu thông tin giấy tờ của phương tiện và người lái đã được đồng bộ, tích hợp lên ứng dụng VNeID, thì CSGT thực hiện kiểm tra trên ứng dụng định danh điện tử.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại việc trình giấy tờ trên ứng dụng VNeID vẫn chỉ áp dụng cho 1 số trường hợp như khi kiểm tra hành chính với người điều khiển và phương tiện mà họ không có hành vi vi phạm. Lúc này, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các loại giấy tờ xe đã tích hợp trên VNeID và người dân không cần đưa giấy tờ gốc.

Vẫn chưa thể trình giấy tờ xe trên VNeID khi bị CSGT kiểm tra - Ảnh 3.

Người dân có thể xuất trình giấy tờ xe trên VNeID khi CSGT kiểm tra hành chính nhưng nếu xử lý vi phạm giao thông thì vẫn cần xuất trình các giấy tờ đó để đối chiếu, xử lý.

Trong khi đó, đối với những trường hợp có hành vi vi phạm mà bắt buộc phải xử phạt vi phạm hành chính, thì CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm trình giấy tờ xe bản gốc (bản cứng) để phục vụ cho việc lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, ra quyết định tạm giữ giấy tờ hoặc phương tiện.

Đặc biệt, trường hợp CSGT phát hiện tài khoản VNeID có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước, thu hồi giấy tờ hay cần phải xác minh về giấy tờ, thì lực lượng tuần tra sẽ đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để đối chiếu, xử lý.

Liên quan đến vấn đề người dân xuất trình giấy tờ xe tích hợp trên VNeID khi được CSGT kiểm tra, Cục CSGT cho biết cơ quan chức năng cần thời gian để chuẩn bị các trang thiết bị đọc dữ liệu và đào tạo trước khi chính thức thực hiện kiểm tra giấy tờ xe tích hợp trên VNeID.

Thời gian gần đây, các Tổ Công tác của Cục CSGT đã kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng...

Kết quả trong 3 tuần (từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9/2023) đã trực tiếp kiểm soát 80.560 phương tiện (45.197 xe ôtô, 35.363 xe mô tô và xe máy điện), phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 2.890 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (787 trường hợp đi ôtô, 2.094 trường hợp đi môtô, 9 trường hợp đi xe máy điện).

Theo đại diện Cục CSGT, việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Xem thêm video được quan tâm:

Đề xuất CSGT không kiểm tra giấy tờ người ngồi sau xe máy.


Thành Long
Ý kiến của bạn