Bà con ta có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người lại hiểu rằng như vậy cứ mắc bệnh thì chữa phương nào cũng được, gặp “thầy” nào cũng thử miễn là khỏi. Thế nhưng bệnh tật không biết “đợi” để gặp thầy tốt. Nhờ tư duy dễ dãi đó mà năm nào ở ta cũng xuất hiện rất nhiều “thần y” tự xưng và đều nổi đình nổi đám. Hiệu quả đâu chả thấy, chỉ biết thầy nổi tiếng nào cũng có những “chiêu” chữa trị rất... kỳ quái, thu hút đông bệnh nhân và rồi... lặn mất tăm như bong bóng. Cùng điểm lại những gương mặt “thần y”, cũng là để bà con lưu ý tìm những cơ sở khoa học, tránh mất tiền, mất cả thời cơ điều trị bệnh tật...
“Giẫm lưng” chữa bệnh
“Nổi danh” nhất trong năm qua phải dành cho người phụ nữ có biệt danh: “Cô Phú Bồ Tát”. Không biết từ đâu mà cô được gán tên gọi đầy kính trọng này, chỉ thấy hàng ngày hàng trăm con người từ nhiều địa phương lân cận lẫn xa xôi, dẫu trọng bệnh đầy mình, chỉ nghe nói qua các kênh truyền miệng đều khăn gói đến ăn chực nằm chờ không quản ngày đêm để chờ phép màu từ “bà Bồ Tát giáng thế” cứu chữa.
“Thánh mẫu” Bệnh viện K đang hành nghề.
Giờ chữa bệnh, cả gian phòng la liệt người nằm sẵn kế nhau như... cá khô, áo vén lên cao để hở mảng lưng và mông, cô Phú với hai người đỡ hai bên sẽ giẫm chân trần trực tiếp lên lưng người bệnh hết lượt nọ đến lượt khác. Người bệnh tin rằng “năng lượng” từ cô sẽ được truyền thẳng vào người bệnh và hóa giải bệnh tật. Và bà cũng khéo léo đặt cho cơ sở của mình là “mát-xa”, một cái tên gọi rất mềm mại và khôn khéo tránh sự chú ý của cơ quan chức năng y tế. Ai hỏi, bà Phú cho biết: “Tôi chỉ xoa bóp, massage theo chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh được cấp, chứ không hề có khám chữa bệnh gì ở đây”.
Đáng nể là chỉ những thao tác giống nhau nhưng bà tuyên bố có thể chữa trị đủ loại bệnh tật khác nhau từ: thoái hóa cột sống đến đau lưng, viêm loét gan, dạ dày... Khi có đoàn kiểm tra liên ngành của chính quyền và Bộ Y tế, Sở Y tế về, cô không ngần ngại “biểu diễn” giẫm đạp chữa bệnh trước mắt đoàn kiểm tra.
Nhà bà rộng chừng 1.000m2 thuộc xã Vinh Sơn (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), cổng vào có ba-ri-e kiểm soát ôtô ra vào. Theo lãnh đạo xã, trước đây bà Phú từng “hành nghề” ở phường Thắng Lợi, phường Mỏ Chè và mới chuyển tới xã này vài năm gần đây. Giờ đây, cơ sở của bà Phú đã bị dừng hoạt động bởi không đủ điều kiện và phương pháp chữa trị này không được công nhận hiệu quả.
Chữa bách bệnh bằng “nước thánh”
Không cần bắt mạch, kê toa, một thầy lang ở Đồng Tháp có cách chữa bệnh bằng “nước thánh” lạ đời. Chữa bệnh bằng “nước thánh” mà không qua bắt mạch, kê toa, trong đó có cả những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. Đó là cách hành nghề lạ đời của một phụ nữ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Với mức thu tiền từ 150.000 - 300.000 đồng/lần, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Cẩm.
Chỉ bằng việc xịt thứ “nước thánh” lên người, xoa bóp và đấm mạnh vài cái, bà thầy lang Cẩm ở Đồng Tháp thao thao phán bệnh rồi cho thuốc chữa khỏi các loại bệnh.
Bệnh nhân được bà Cẩm xịt thứ nước gọi là “nước thánh” lên người, lên đầu, sau lưng và đấm mạnh vài cái vào người. Sau đó, bà Cẩm kết luận bệnh, bốc thuốc với những lời hứa hẹn, cam kết. Đặc biệt hơn, khi bà Cẩm khẳng định có thể chữa bệnh mà bác sĩ đã “bó tay” như xơ gan, ung thư gan hay các loại bệnh hiểm nghèo khác.
Cai nghiện ma túy trong 20 ngày
“Thầy lang” Nguyễn Hữu Hiệp (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội), người tự xưng là “thần” đến cứu độ chúng sinh. Cơ sở khám chữa bệnh của “thầy” Hiệp không biển hiệu, không phòng khám, mọi thông tin cần thiết được ghi bằng sơn đỏ trên hai cánh cổng tôn: “Hào Hiệp số điện thoại 0904 975xxx và 01695785xxx, chữa bệnh chó mèo dại cắn, nghiện ma túy, nấm ngứa, dạ dày, xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt...”. Thầy luôn khoe đã cai nghiện cho hàng trăm người, nhưng vì những người nghiện thường muốn giữ bí mật, nên ông không thể cho người khác tiếp xúc kiểm chứng.
Tại địa phương, ông Hiệp gặp không ít điều tiếng, dị nghị, thậm chí là phản đối gay gắt của người dân vì số lượng “con nghiện” tập trung về khu vực quá đông. Thậm chí, ngay vợ con ông cũng ra sức phản đối.
Chính quyền xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) xác nhận việc chữa được bệnh của ông Hiệp chưa được cơ quan chức năng công nhận. Nhiều người dân cho biết: “Ông lang này nắm bắt tâm lý của nhiều gia đình có con em vướng vào ma túy, nhưng ngại đưa đến những trung tâm cai nghiện được Nhà nước cấp phép, nên họ thường âm thầm đưa đến những nơi kín đáo, thậm chí ít người biết đến mà không biết có hiệu quả thực sự hay không.
Phương pháp ông Hiệp sử dụng để quảng cáo là Đông Tây y kết hợp châm cứu với các bài thuốc gia truyền tự bào chế không rõ nguồn gốc. Hoạt động khám chữa cai nghiện của ông Hiệp chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Dù UBND huyện Thường Tín đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên, sau một thời gian, ông Hiệp hoạt động trở lại và có nhiều địa điểm khác.
“Xin lễ” rồi mới khám
Một thầy lang cũng “nổi tiếng” và đông bệnh nhân không kém là thầy lang Bần ở xã Lương Tài (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Thầy được “thánh cho ăn lộc” nên cách tiếp nhận bệnh nhân cũng khác người. Thầy bảo những ai muốn chữa đều được thầy “làm lễ”, nếu lễ được thì thầy mới khám, không được thì hôm khác đến khám sau. Nhưng hầu hết đã đặt lễ bằng tiền thì đều được “bề trên” cho khám cả. Vợ thầy Bần có nhiệm vụ ngồi khấn vái, tung đồng xu để xin thánh. Hết một lượt làm lễ cho khoảng chục người, tất cả được gọi vào phòng bắt mạch kê đơn.
Nhiều người ngồi nghe thầy “phán” bệnh xong thì cảm thấy ngao ngán, bởi mắc bệnh nọ thầy lại phán bệnh khác. Cũng có người ngồi gật gù vì thấy “phán” đúng, chắp tay vái thầy như thánh sống.
“Thánh mẫu” Bệnh viện K
Nhân vật hài hước nhất phải được phong cho người phụ nữ phương phi tự xưng là “thánh mẫu” có thể chữa bách bệnh nhờ hút “chất độc” từ trán, phun nước, uống “nước thánh”... Bà này còn xông cả vào giằng co, cự cãi với đội bảo vệ vì đòi vào tận trong sân Bệnh viện K để đòi được “chữa bệnh” ung thư. “Thánh mẫu” tên thật là Hoàng Thị Xoan (tên thường gọi là Hà), nhà ở ngõ Hồng Hà, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhiều người đã uống nước “thánh” cho biết, nước có vị nước chè pha lẫn gừng. Bà quấn một chiếc khăn trùm màu mè rồi buộc túm vào cổ như chiếc áo khoác kiểu “người dơi”, ngồi luôn ở cổng viện với đám đông bệnh nhân xung quanh. Bà có những thao tác hết sức kỳ dị như: vuốt ngực, hôn trán, nắn bóp, làm phép...
Khi bị lực lượng chức năng ngăn cản, bà luôn miệng cho rằng nếu cấm thì “ai khám chữa bệnh cho những người bị ung thư kia?”.
Ðừng nhầm hỗ trợ với điều trị
Tâm sự về những “thần y” chữa ung thư, Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội cho biết, hiện nay có nhiều ông lang tự xưng là gia truyền, học nọ học kia quảng cáo quá khả năng của mình nhưng sự thật đến thời điểm này chưa có một thầy lang cũng như bài thuốc nào có khả năng chữa khỏi ung thư.
Những bệnh nhân nằm sẵn chờ “cô Phú“ dẫm lưng chữa bệnh.
“Có những người khẳng định chữa được ung thư, tôi mời vào chữa nhưng cuối cùng cũng không chữa được. Đã từng có thầy thuốc đề xuất lên cơ quan y tế về việc có bài thuốc chữa ung thư, nhưng khi được đề nghị chữa bệnh nhân thực thì cũng không chữa được. Hiện nay, những ông lang khẳng định mình chữa được hoặc là bị hoang tưởng về khả năng của mình, hoặc là lừa bịp”.
Giải thích về việc tại sao có một số trường hợp khi điều trị Tây y thì sức khỏe suy kiệt nhưng khi chuyển sang uống Đông y thì lại khỏe mạnh, sống lâu hơn, BS. Nguyễn Hồng Siêm cho rằng: Trong y văn, Đông y cũng có bài thuốc chữa u bướu. Ung thư cũng là loại u bướu nhưng là u ác tính thì chưa có bài thuốc chữa. Nhưng Đông y có lợi thế lớn trong việc nâng cao thể trạng người bệnh, hỗ trợ điều trị ung thư.
Thực chất các bài thuốc mà các thầy lang quảng cáo chữa ung thư là các bài thuốc chữa u bướu, kết hợp các thuốc thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thậm chí, một số ông lang còn kê thêm các loại dịch truyền của Tây y, đây đều là các loại thuốc bổ và thải độc.
Vì vậy, khi bệnh nhân ung thư phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, sức khỏe suy kiệt, khi uống các loại thuốc này vào sẽ thấy khỏe ra, kéo dài tuổi thọ nên họ ngộ nhận là Đông y có tác dụng chữa khỏi ung thư. “Nếu thực sự có người nào đó chữa được ung thư thì xứng đáng được thế giới trao giải Nobel” - BS. Siêm khẳng định.
Cùng quan điểm trên, PGS.BS. Bùi Công Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Trung ương (Viện K) cũng cho rằng, cho đến thời điểm này, trong những sách vở chính thống cũng khẳng định Đông y chưa thể chữa được ung thư mà chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ điều trị thông qua các bài thuốc tăng cường sức khỏe và hạn chế những biến chứng, tác dụng phụ của việc điều trị bằng Tây y (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị).
“Thông thường khi dùng các phương pháp hóa trị, xạ trị thì các tế bào ung thư đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị này cũng đồng thời làm suy kiệt sức khỏe của người bệnh, bệnh nhân cần một thời gian dài để phục hồi lại. Trong khi bệnh viện chỉ có điều kiện chữa bệnh chứ chưa có điều kiện phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Và đương nhiên khi họ uống các loại thuốc bổ, thải độc hay truyền dịch thì sẽ thấy khỏe hơn khiến người bệnh ngộ nhận. Còn nếu một cá nhân nào nói mình hơn hẳn một ngành thì đó là sự ngạo mạn, bịp bợm”.
BS. Toàn cũng khẳng định việc hiện nay một số ông lang ngoài việc bốc thuốc Đông y còn kê thêm các dịch truyền là vi phạm nghiêm trọng quy định khám chữa bệnh.
“Một người kê đơn những dịch truyền, thuốc bổ phải được đào tạo bài bản về Tây y. Hiện nay, tất cả các bác sĩ Tây y đều học một bộ môn về Đông y, nhưng ra nghề không thể sử dụng bằng đó để chữa bệnh Đông y được, mà cũng chỉ sử dụng để tham vấn cho bệnh nhân cái gì nên sử dụng, cái gì không nên. Còn các thầy lang không có bằng bác sĩ mà đi kê các dịch truyền cho bệnh nhân là không đúng, làm liều và có thể gây những hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, các dịch truyền này không được tự ý truyền ở nhà mà phải truyền tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì mới đảm bảo” - BS. Toàn khuyến cáo.
BS. Nguyễn Hồng Siêm cũng cho biết, để có một bài thuốc chữa u bướu, thải độc, bồi bổ sức khỏe tốt thì bệnh nhân chỉ cần bỏ ra khoảng 50.000 - 80.000 đồng mỗi ngày và có thể dễ dàng mua được ở các phòng khám Đông y. Vì vậy, các thầy lang bốc thuốc với giá 4-8 triệu đồng/ tháng là quá đắt, thể hiện lòng tham và sự bịp bợm trắng trợn.
Điều đáng ngại nữa là tình trạng quảng cáo quá mức của các thầy lang. BS. Nguyễn Hồng Siêm cho rằng: “Việc các ông lang quảng cáo quá khả năng của mình là một điều rất nguy hiểm cho người dân vì đã làm mất cơ hội điều trị khác của họ. Lương y chữa ở mức độ nào thì chỉ nên nói ở mức độ đó thôi chứ ngộ nhận rồi phóng đại lên là hành vi phi đạo đức, không xứng đáng là lương y”.