Ngăn ngừa các biến chứng, giảm nguy cơ tử vong
Chia sẻ tại chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư", PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, duy trì sinh tồn cơ thể; giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị giúp người bệnh vượt qua liệu trình điều trị. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ hạn chế sự nhân lên của tế bào ung thư, giảm sự tăng sinh mạch máu; hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn chưa có đủ hiểu biết để thực hành dinh dưỡng đúng. Phần lớn mọi người cho rằng nếu duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều dưỡng chất sẽ đồng nghĩa với việc nuôi các tế bào ung thư. Vì vậy, nhiều bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem, thiếu khoa học.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh: So với việc cung cấp dinh dưỡng nuôi tế bào ung thư thì việc cung cấp dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể quan trọng hơn. Nếu không có dinh dưỡng thì cơ thể không có khả năng bảo vệ và chịu đựng được các liệu trình điều trị ung thư, người bệnh không đủ sức duy trì cuộc sống cho đến khi khỏi bệnh.
Tăng sức đề kháng và chất lượng sống cho người bệnh ung thư
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, để giúp bệnh nhân ung thư có sức đề kháng, đủ sức để chiến đấu với bệnh tật thì chế độ ăn phải đủ dinh dưỡng, đặc biệt là cả trước, trong và sau điều trị.
Theo đó, nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nhằm đảm bảo sức khoẻ cần:
- Cung cấp đủ dinh dưỡng. Cân đối chất dinh dưỡng giữa đạm động vật và thực vật. Người bệnh ung thư mất cơ nhiều, mà cơ bắp được thúc đẩy bởi axit amin mạch nhánh. Các axit amin đó có nhiều trong thịt ức gà, trong hạt vừng... Người bệnh nên giảm ăn thịt đỏ, tăng cường ăn cá. Đặc biệt, chất béo của cá có nhiều omega 3 tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp.
- Các loại hạt như óc chó, hạt điều, vừng tốt cho người bệnh ung thư. Các thực phẩm này không chỉ có protein tốt mà còn có chất béo tốt, giúp duy trì sức khỏe tim mạch. Tăng cường ăn nấm, bởi trong nấm có chất đạm, se len, kẽm tốt cho việc phòng chống ung thư.
- Tăng lượng chất khoáng từ rau củ quả. Ăn rau cũng giúp người bệnh tăng cường chất xơ, không bị táo bón. Các nước ép từ củ cải đỏ, cà rốt, táo rất tốt... có nhiều chất chống oxy hóa giúp tăng sức đề kháng.
- Hạn chế thực phẩm chiên, rán bởi có nhiều chất béo không tốt cho người bệnh ung thư.
- Thực phẩm cần chế biến mềm, lỏng, tránh cay mặn.
"Bên cạnh việc bổ sung, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, người bệnh cần vượt lên chính mình, giữ vững tinh thần lạc quan để chiến thắng bệnh tật" – PGS.TS Lê Bạch Mai nói.