Vai trò quản lý của chính quyền địa phương ở đâu?

30-12-2013 11:40 PM | Tin nóng y tế

SKĐS - Mỗi khi có “sự cố” liên quan đến y tế xảy ra, công luận thường đổ hết lỗi cho ngành y tế.

Mỗi khi có “sự cố” liên quan đến y tế xảy ra, công luận thường đổ hết lỗi cho ngành y tế. Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế” vừa được Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu dân cử đã khẳng định vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý y tế ở cơ sở là yếu tố quyết định...

Vẫn còn tình trạng địa phương làm ngơ

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, mô hình tổ chức hệ thống y tế Việt Nam hiện nay được tổ chức theo 4 cấp phụ thuộc vào hệ thống tổ chức Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Ngoài ra, để phát triển năng lực chuyên môn, hệ thống y tế còn kết hợp tổ chức theo hệ thống y tế chuyên sâu và y tế phổ cập. Với cách tiếp cận này, vấn đề cơ chế quản lý nhà nước ở tuyến huyện, xã với cơ chế vận hành hoạt động chuyên môn thật sự chưa rõ ràng. Mặt khác, trong 1 tỉnh cũng có các phương thức quản lý khác nhau như: nơi thì Sở Y tế quản lý theo ngành dọc, nơi thì vẫn quản lý theo ngành ngang, có nơi thì kết hợp quản lý cả ngang và dọc.


	Bác sĩ bị hành hung đến ngất xỉu tại BV Bạch Mai (ảnh cắt từ clip).

Bác sĩ bị hành hung đến ngất xỉu tại BV Bạch Mai (ảnh cắt từ clip).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế và chính quyền địa phương đã có nhiều phối hợp trong công việc, song mô hình hệ thống tổ chức y tế của nước ta hiện nay là phân chia quyền lực giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương theo nguyên tắc song trùng trực thuộc: Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ. Theo đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân sự y tế. “Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm cũng phải được xác lập song trùng, nhưng trên thực tế việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh chưa rõ ràng, minh bạch...”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

TS. Đàm Viết Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh: Phân cấp, phân quyền là vấn đề vô cùng khó, không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới. Thực tế các vụ dịch xảy ra ở nước ta cho thấy, người dân bị tử vong nhiều như thế, vậy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để ở đâu?

Cần xác định rõ trách nhiệm

Đứng trên góc độ của cơ quan dân cử, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khi tai biến y tế xảy ra, Bộ trưởng Bộ Y tế thường bị nêu tên, quy trách nhiệm... Bà Khá lấy dẫn chứng cụ thể 3 vụ việc xảy ra gần đây nhất. Đó là vụ tai biến vaccin xảy ra tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị; vụ nhân bản xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức; vụ việc ở BV Bưu điện Hà Nội. Tuy nhiên, theo bà Khá, đối với các vụ việc này, Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm một phần, trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành. Tuy nhiên, khi các vụ việc xảy ra, ngành y tế lại bị chỉ trích nhiều nhất và họ cũng là đơn vị đứng ra giải quyết gần như mọi vấn đề...

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Đỗ Trung Hai, Phó ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP. Hà Nội cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý y tế ở cơ sở là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, y tế là một lĩnh vực chuyên sâu nên giao chính quyền quản lý không dễ, do đó ngành y tế cần nghiên cứu làm sao để có mô hình chính quyền địa phương vào cuộc thuận lợi hơn. Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật - Quốc hội kiến nghị, cần phải xác định rõ trách nhiệm của ngành y tế cũng như lãnh đạo các cấp địa phương trong hoạt động y tế.            

Nguyễn Hoàng

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH