Vai trò lãnh đạo đối với công tác xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập

27-10-2023 16:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), về vị trí pháp lý, là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. 

Những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đạt được những kết quả đáng ghi nhận (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017).

Bên cạnh những nỗ lực đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những hạn chế, thách thức phải vượt qua.

Những thành công cũng như hạn chế của các ĐVSNCL đều liên quan tới vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng. Do đó, việc nghiên cứu tìm hiểu vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập là rất cần thiết và có ý nghĩa, góp phần đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc, hoàn thiện vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong các ĐVSNCL.


Vai trò lãnh đạo đối với công tác xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp công lập  - Ảnh 1.

Đơn vị sự nghiệp công lập có những góp quan trọng vào việc cung ứng các dịch vụ công cơ bản, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: dangcongsan.vn


Một cuộc khảo sát bằng bảng hỏi phỏng vấn ngẫu nhiên các đảng viên tại tổ chức đảng của một số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã được Viện khoa học tổ chức, cán bộ phối hợp với nghiên cứu viên Viện Xã hội học thực hiện vào cuối năm 2021. Trong tổng số 314 người được khảo sát, tỷ lệ thuộc các đơn vị trực thuộc cấp quận/huyện là 50,6%, cấp tỉnh/bộ là 41,7% và cấp Trung ương là 7,6%. 

Hơn 1/3 trong số mẫu (35,7%) là thành viên cấp ủy đảng của đơn vị. Về trình độ học vấn, có nhóm có trình độ đại học chiếm 60,2%, trình độ sau đại học là 33,8% và trình độ học vấn phổ thông là 6.1%. 

Nội dung khảo sát tập trung vào đánh giá, nhận xét của các đảng viên về vai trò của cấp ủy và tổ chức đảng trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc công tác xây dựng tổ chức đảng.

Kết quả khảo sát

Về vai trò đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp cụ thể nhằm xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhiều ủy cơ sở đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy; nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; phân công, quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; đa số đảng viên (77,7%) hoàn toàn đồng ý cấp ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Về vai trò lãnh đạo công tác phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực trong đơn vị, lãnh đạo thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện có nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trong ĐVSNCL tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm cơ bản nghiêm túc, triệt để, trên tinh thần tự phê bình và phê bình, từ đó nâng cao sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ và cán bộ, đảng viên. 

Nhiệm vụ lãnh đạo công tác phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham những, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực của cấp ủy, tổ chức đảng được đảng viên đánh giá cao. Đa số đảng viên hoàn toàn đồng ý cấp ủy, tổ chức đảng trong các ĐVSNCL đã chú trọng thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện có nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng (73,2%).

Về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện và có kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao, hầu hết cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện và có kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên. 

Hơn ba phần tư đảng viên được khảo sát (75,5%) hoàn toàn đồng ý cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, rèn luyện và có kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vai trò tạo nguồn và phát triển đảng viên, đảm bảo đúng và đủ tiêu chuẩn để giới thiệu và kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng được lãnh đạo cấp ủy tại hầu hết ĐVSNCL chú trọng và chỉ đạo triển khai thực hiện Từ năm 2016 đến 6/2019 số đảng viên mới kết nạp trong các ĐVSNCL là 191.192 người. 

Theo đánh giá của hơn 78% đảng viên được khảo sát, cấp ủy tại các ĐVSNCL làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, bảo đảm đúng và đủ tiêu chuẩn để giới thiệu và kết nạp những quần chúng ưu tú vào đảng. Tỷ lệ này cao nhất trong các nhiệm vụ được đánh giá.

Vvai trò tổ chức để quần chúng tham gia góp ý về sự lãnh đạo của tổ chức đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, đa số các cấp ủy và tổ chức đảng luôn thể hiện tinh thần dân chủ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo. Hàng năm, cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức để quần chúng tham gia góp ý về sự lãnh đạo của tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên trong đơn vị. 

Tuy gần 77% đảng viên hoàn toàn đồng ý là cấp ủy và tổ chức đảng trong các ĐVSNCL đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhưng tỷ lệ không đồng ý hoặc không ý kiến là 8%, cao nhất trong các nhiệm vụ được xét.

Vai trò thực hiện công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật đảng viên, có thể thấy rằng, nhiều ĐVSNCL thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc. Thi đua, khen thưởng là một phương pháp tuyên truyền, giáo dục tích cực để động viên tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm, năng lực hoạt động chuyên môn của cán bộ viên chức, công chức. 

Đây là một hình thức thiết thực thúc đẩy sự tiến bộ. Bên cạnh đó, đảng viên vi phạm kỷ luật bị kỷ luật nghiêm minh. Tỷ lệ đảng viên hoàn toàn đồng ý là cấp ủy, tổ chức đảng trong các ĐVSNCL đã thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật đảng viên là 75,8%, so với tỷ lệ không đồng ý hoặc không ý kiến là 5,4%.

Bảng 1. Đảng viên đồng ý cấp ủy và tổ chức đảng thực hiện tốt các nhiệm vụ (%)

Hoàn toàn đồng ý

Đồng ý

Không đồng ý, không ý kiến

1. Đã đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp cụ thể nhằm xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh

77,7

19,1

3,2

2. Lãnh đạo công tác phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực

73,2

21,0

5,7

3. Thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện có nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng

78,7

16,6

4,8

4. Chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện và có kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao

75,5

19,7

4,8

5. Làm tốt công tác tạo nguồn, và phát triển đảng viên, bảo đảm đúng và đủ tiêu chuẩn để giới thiệu và kết nạp quần chúng ưu tú vào đảng

78,0

17,5

4,5

6. Tổ chức để quần chúng tham gia đóng góp ý kiến về sự lãnh đạo của tổ chức đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên

76,8

15,2

8,0

7. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác khen thưởng, kỷ luật đảng viên

75,8

18,2

5,4

Hạn chế và nguyên nhân

Một số cấp ủy, tổ chức đảng đơn vị sự nghiệp công lập có lúc chưa nhận thức đầy đủ về vai trò lãnh đạo đối với công tác đoàn thể; chưa được dành sự quan tâm lãnh đạo thích đáng, kịp thời của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, để công việc còn chậm, kết quả chưa đáp ứng hết kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; việc tổ chức quán triệt một số Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương chưa kịp thời và sâu rộng, do đó khâu tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao; ý thức đấu tranh phê bình và tự phê bình trong một số tổ chức Đảng và đảng viên chưa cao, không ít trường hợp còn nể nang, ngại va chạm, né tránh; Đảng ủy chưa có các chủ trương và giải pháp cụ thể để kịp thời phát huy ưu điểm và khắc phục những tồn tại, khuyết điểm được phát hiện qua kiểm tra. Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, số người làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong ĐVSNCL còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, công tác nắm thông tin từ cấp ủy trực thuộc có mặt chưa thật chặt chẽ, sâu sát, do vậy, sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy đối với các cấp ủy trực thuộc có lúc, có nơi chưa kịp thời, đôi khi còn chậm đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm một số vấn đề phát sinh tại một số đảng bộ, chi bộ.

Về những nguyên nhân khách quan, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề; hệ thống các quy định của Đảng, Nhà nước về đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, đầy đủ. Nhìn chung, nhận thức, trình độ và tư duy, năng lực quản trị và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý còn hạn chế, còn tư tưởng ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chưa được quy định rõ ràng; chưa xây dựng được các quy định, tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ gắn với chất lượng hoạt động của ĐVSNCL; chưa có hệ thống đánh giá kết quả hoạt động thích hợp với đặc thù của từng ngành; chế độ, chính sách hiện nay của Đảng đối với cán bộ làm công tác chuyên trách đảng chưa thu hút được cán bộ giỏi về làm việc và yên tâm gắn bó lâu dài.

Về nguyên nhân chủ quan, một số đảng ủy viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt chưa dành thời gian và tâm sức thỏa đáng cho công tác đảng, trong khi đó cán bộ chuyên trách công tác đảng thường xuyên biến động; một số đồng chí còn thiếu kinh nghiệm. Nhận thức về công tác Đảng và vai trò trách nhiệm của một số cấp ủy, đảng viên chưa cao, chưa đầy đủ. Một số cán bộ cấp uỷ chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác vận động quần chúng và phát huy dân chủ; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình chưa cao; năng lực lãnh đạo và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, chưa đồng bộ và thiếu các biện pháp cụ thể. Thiếu chủ động trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, có việc triển khai thực hiện còn mang tính đối phó. Với nhiệm vụ về công tác Đảng như hiện nay, các đơn vị trực thuộc Đảng ủy Viện Hàn lâm cũng cần có chuyên trách công tác Đảng thì mới có thể đảm bảo được kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên.

Giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo đối với công tác xây dựng tổ chức đảng

Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng trong ĐVSNCL đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về việc nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong ĐVSNCL đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng là nhiệm vụ nhiệm vụ cấp thiết, lâu dài, thường xuyên thông qua việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt một cách đầy đủ, sát với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên cần nắm chắc, bám sát cơ sở để xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát những vấn đề trọng tâm, khâu yếu, điểm yếu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các ĐVSNCL.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng. Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện thí điểm việc tổ chức sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở những chi bộ có đông đảng viên, điều kiện làm việc đặc thù. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Chú trọng công tác tư tưởng trong sinh hoạt đảng; đổi mới việc nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ; thực hiện tốt việc nêu gương của cấp ủy, đảng viên, người đứng đầu các cấp về đạo đức, lối sống, tác phong, phương pháp công tác là giải pháp cơ bản, lâu dài để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

- Thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, gắn liền với đánh giá, xếp loại cán bộ, viên chức và cơ quan, đơn vị. Cần xây dựng và bám sát tiêu chí đánh giá, lấy kết quả là cơ sở để các cấp ủy đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

- Chất lượng cấp ủy, năng lực của bí thư cấp ủy là yếu tố quyết định tới việc nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong ĐVSNCL đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng. Làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chuyên trách công tác đảng, kịp thời kiện toàn cấp ủy để xây dựng đội ngũ cấp ủy viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

- Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh phải đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các ĐVSNCL tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xã hội hoá các dịch vụ công ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức đảng và tổ chức các ĐVSNCL "tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao", đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp uỷ đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ và xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng "đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp". Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức theo vị trí việc làm. Hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Làm tốt công tác tư tưởng; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với các trường hợp do ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

- Sự chủ động, tích cực trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức đảng gắn với việc phát huy sự tham gia tích cực của đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng trong xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị; tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, lãnh đạo, quản lý đơn vị với cán bộ, đảng viên, người lao động sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng ở các ĐVSNCL.

- Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc lịch sử chính trị và chú trọng vấn đề chính trị hiện nay. Bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", gây mất đoàn kết nội bộ.

- Kiện toàn, nâng chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc đảng uỷ. Bố trí đủ biên chế, cán bộ chuyên trách, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Nghiên cứu xây dựng quy định thống nhất về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ chuyên trách của các đảng uỷ ĐVSNCL phù hợp với quy định chung. Trong khi chưa có quy định chính thức, tạm thời giữ nguyên phụ cấp để cán bộ yên tâm công tác. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về kinh phí hoạt động hằng năm của đảng ủy ĐVSNCL để các đảng ủy chủ động trong việc bố trí ngân sách hoạt động.

Làm tốt được những nội dung nêu trên, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong ĐVSNCL đối với công tác xây dựng tổ chức đảng sẽ được nâng cao thời gian tới, góp phần thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, nhất là góp phần vào việc tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc
Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ý kiến của bạn