Hà Nội

Vai trò của sắt với sự phát triển của trẻ

11-11-2022 07:00 | Dinh dưỡng mẹ và bé
google news

SKĐS - Trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất do nhu cầu tăng cao, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên 10 loại rau củ quả bạn nên ăn mỗi tuầnChuyên gia dinh dưỡng khuyên 10 loại rau củ quả bạn nên ăn mỗi tuần

SKĐS - Việc ăn rau củ quả đã được khoa học khẳng định là rất tốt cho sức khỏe. Mặc dù các chất dinh dưỡng cụ thể có trong rau khác nhau giữa các loại, nhưng hầu hết chúng đều mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Thiếu sắt làm trẻ biếng ăn, kém hấp thu

Theo ThS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em. Khi thiếu máu khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu oxy ở các tổ chức đặc biệt là tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh, trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu, các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt do thiếu oxy não, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mệt mỏi.

Thiếu máu não ở trẻ lớn còn làm cho trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém. Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt là da xanh, niêm mạc nhợt (đặc biệt là niêm mạc mắt và môi) móng tay móng chân nhợt nhạt, móng tay dễ gãy biến dạng, tóc khô cứng dễ gãy, trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ. Xét nghiệm máu là cách tốt nhất để chẩn đoán thiếu máu. Định lượng huyết sắc tố (Hb) nếu dưới 11gHb trong 100ml máu ở trẻ là bị thiếu máu.

Vai trò của sắt với sự phát triển của trẻ - Ảnh 2.

Sắt đóng vai trò quan trọng phát triển ở trẻ nhỏ.

Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm; ảnh hưởng đến hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh. Sắt tham gia vào tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt trẻ hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.

Sắt là một yếu tố vi lượng đã được nghiên cứu từ lâu, đây là một trong 3 vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, iốt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các vi chất này đã và đang trở thành vấn đề có ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng. Mặc dù sự hiện diện trong cơ thể với một lượng rất nhỏ, nhưng sắt rất cần thiết cho sự sống, vì sắt cần thiết cho nhiều chức năng sống:

Chức năng hô hấp: Tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan. Tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ. Sắt tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme. Ðặc biệt trong chuỗi hô hấp, sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích. Sắt tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể: là thành phần của enzyme hệ miễn dịch.

Nguyên nhân gây thiếu sắt

ThS Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, tập trung chủ yếu ở phụ nữ có thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi... Ở trẻ nhỏ, thiếu máu thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động. Do vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.

Vai trò của sắt với sự phát triển của trẻ - Ảnh 3.

Bổ sung thực phẩm giàu sắt giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, có dị dạng ở dạ dày ruột. Hoặc do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)… Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.

Về điều trị, ThS. Phan Kim Dung cho rằng cần phải cho trẻ uống sắt và các chế phẩm của sắt theo chỉ định của bác sĩ. Cần điều chỉnh chế độ ăn thích hợp với lứa tuổi, cho trẻ ăn bổ sung đúng lúc và đúng cách. Ngoài ra cần chữa các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa và chảy máu mạn tính (như điều trị giun móc, điều trị loét dạ dày - tá tràng…).

Cha mẹ cần cho trẻ ăn theo nhu cầu khuyến nghị (theo tuổi, cân nặng, chiều cao, giới tính). Ăn đa dạng các nhóm chất theo "ô vuông thức ăn" của trẻ. Tăng cường các thực phẩm giàu sắt trong thực đơn hằng ngày của trẻ. Bổ sung các loại quả có chứa nhiều vitamin C: nho, bưởi, cam, quýt, dâu tây... để giúp hỗ trợ hấp thu sắt.ác nguồn thực phẩm giàu chất sắt.

Thực phẩm giàu sắt

ThS. Kim Dung gợi ý các nguồn thực phẩm giàu chất sắt mà cha mẹ nên sử dụng cho trẻ gồm:

Thịt đỏ và nội tạng (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thận, gan, tim, dồi tiết…).

Trứng (mẹ nên cho trẻ ăn 3-4 quả trứng/tuần).

Cá và động vật có vỏ (cá mòi, cá mòi cơm, cua, cá cơm, tôm, hến). Mẹ nên cho trẻ ăn 3-4 bữa cá/tuần.

Các loại hạt (đậu phộng, quả hồ đào, quả óc chó, hạt mè, hạt hướng dương, hạt thông).

Các loại rau có lá xanh (bông cải xanh, rau bó xôi, cải xoong, cải xoăn).

Ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc (bánh mì, bột ngô, bột cám, bánh yến mạch, lúa mạch đen)

Đậu và các loại đậu (đậu nướng, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh, đậu mắt đen…).

Lưu ý, người bệnh thiếu máu do thiếu sắt có thể gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, khó tập trung hay giảm năng suất làm việc, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh…

Khi có các triệu chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách giúp cho tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc bổ sung sắt mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm cho cơ thể quá tải sắt gây nguy hiểm vì khi đó lượng sắt dư thừa có thể gây tổn thương gan và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Để phòng thiếu máu do thiếu sắt, cần bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai: Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 µg folic acid trong suốt thời gian có thai. Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.

Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.

Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột. Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,… Kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.

Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đờiTầm quan trọng của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời

SKĐS - Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vì Sao Bộ Y Tế Chưa Công Bố Hết Dịch Covid-19 Tại Việt Nam? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn