Vai trò của răng sữa

09-07-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chấn thương răng ở trẻ là một điều không ai mong muốn nhưng lại rất hay gặp do trẻ hiếu động, nghịch ngợm...

Chấn thương răng ở trẻ là một điều không ai mong muốn nhưng lại rất hay gặp do trẻ hiếu động, nghịch ngợm... Theo thống kê, có tới 25% trẻ từ 14 tuổi có các vấn đề về chấn thương răng vĩnh viễn. Vậy tuổi nào hay bị chấn thương răng? Các phương pháp xử lý khi trẻ bị chấn thương răng như thế nào?

Khám răng thường xuyên để bảo vệ hàm răng cho trẻ khỏe đẹp.

Thông thường có tất cả 20 răng sữa: 10 hàm trên và 10 hàm dưới, chúng sẽ mọc ở các thời điểm khác nhau nhưng thường từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 8 thì có 4 răng cửa giữa ở hàm trên và hàm dưới sẽ mọc; 4 răng cửa bên sẽ mọc vào lúc 7 đến 10 tháng và từ 12 đến 16 tháng những chiếc răng hàm đầu tiên xuất hiện. Răng nanh sẽ mọc vào lúc 14 đến 20 tháng và răng hàm thứ hai xuất hiện vào lúc 20 đến 32 tháng. Những chiếc răng này chỉ tồn tại vài năm rồi sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.

Vai trò chính của răng sữa là giúp tiêu hóa thức ăn vì sau 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu ăn bổ sung những thứ cứng hơn, khó tiêu hơn. Thông thường cái răng sữa mọc lên, đứng trên cung hàm, sau vài năm thì chân răng bắt đầu tiêu dần chuẩn bị nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn sắp trồi lên ngay đúng vị trí đó. Thế nhưng có những trường hợp răng sữa không mọc đúng lịch trình, có thể sớm hoặc muộn hơn một vài tháng hoặc răng sữa bị sâu và phải nhổ, những trường hợp ngoại lệ này không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, răng vĩnh viễn sẽ gặp một chút khó khăn khi mọc lên do lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Ngoài ra, khoảng trống do mất răng sữa trên cung hàm cũng làm cho răng vĩnh viễn mọc có khuynh hướng di chuyển vào khoảng trống dẫn đến tình trạng răng mọc chen chúc về sau.

Lời khuyên của thầy thuốc

Chấn thương răng tưởng như đơn giản nhưng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng: chảy máu tủy răng, vôi hóa tủy răng, tủy răng hoại tử... nếu không được xử trí đúng cách. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần thường xuyên theo sát, quan tâm tới trẻ, mặt khác nhắc nhở, giáo dục trẻ đặc biệt là trẻ hiếu động, nghịch ngợm để phòng tránh các tai nạn về răng... phòng tránh những chấn thương, bảo vệ hàm răng khỏe đẹp cho trẻ sau này.

Mời bạn đọc đón đọc phần 2 :"Tuổi nào dễ bị chấn thương răng?" vào lúc 14h ngày 9/7/2015

BS. Phạm Minh Nguyệt

 

 


Ý kiến của bạn