Phospho là gì và nó có vai trò quan trọng như thế nào
Phospho là khoáng chất có hàm lượng cao thứ hai trong cơ thể con người (đứng đầu là canxi). Cơ thể cần phospho để thực hiện nhiều chức năng quan trọng như lọc các chất cặn bã, sửa chữa các mô và tế bào bị tổn thương…
Hầu hết mọi người đều nạp lượng phospho cần thiết cho nhu cầu sử dụng hàng ngày thông qua chế độ ăn. Trên thực tế, phospho là nguyên tố rất ít khi bị thiếu hụt trong cơ thể. Các bệnh nhân mắc các bệnh thận hay ăn quá nhiều phospho và không cung cấp đủ canxi cho cơ thể có thể dẫn tới dư thừa phospho.
Tuy nhiên, một số vấn đề về sức khỏe như mắc bệnh tiểu đường hay nghiện rượu nặng hoặc sử dụng một số thuốc như thuốc kháng acid có thể khiến lượng phospho trong cơ thể bị suy giảm đáng kể.
Nồng độ phospho quá cao hay quá thấp đều có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, đau khớp hay suy nhược cơ thể.
Chức năng của phospho
Cũng giống như canxi, cơ thể cần phospho để xây dựng nên hệ xương chắc và khỏe, để tạo ra năng lượng và tăng cường sức mạnh của cơ bắp.
Ngoài ra, phospho còn tham gia vào một số chức năng như:
- Loại bỏ các chất cặn bã tại thận
- Tham gia vào quá trình dự trữ và sử dụng năng lượng của cơ thể
- Kích thích sự tăng trưởng, duy trì và sửa chữa các mô và tế bào bị tổn thương
- Tham gia tổng hợp DNA và RNA
- Cân bằng và sử dụng các loại vitamin như vitamin B và D cũng như các khoáng chất như iod, magie và kẽm
- Tham gia vào quá trình co cơ
- Điều hòa nhịp tim
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự dẫn truyền các tín hiệu thần kinh
- Giảm đau cơ sau luyện tập
Các thực phẩm giàu phospho
Hầu hết các loại thực phẩm đều có chứa phospho. Những thực phẩm giàu protein cũng là nguồn cung cấp lượng phospho dồi dào, bao gồm:
- Thịt gia súc và gia cầm
- Cá
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Trứng
- Các loại hạt và quả hạch
- Các loại đậu
Khi chế độ dinh dưỡng của bạn đã có đủ cả canxi và protein thì cũng cung cấp đủ lượng phospho khuyến nghị. Nguyên nhân là do nhiều loại thực phẩm giàu canxi thì cũng có chứa hàm lượng phospho khá cao.
Một số loại thực phẩm không chứa protein nhưng cũng chứa nhiều phospho như:
- Các loại hạt nguyên cám
- Khoai tây
- Tỏi
- Hoa quả sấy khô
- Các loại đồ uống có ga (acid phosphoic được sử dụng để sản xuất nước có ga)
Các loại bánh mỳ và ngũ cốc nguyên cám có chứa hàm lượng phospho cao hơn những loại bánh mỳ làm bằng bột mỳ trắng. Tuy nhiên, cơ thể người không thể hấp thu hoàn toàn lượng phospho trong toàn bộ các loại thực phẩm.
Phô mai rất giàu phospho
Cơ thể cần bao nhiêu phospho
Lượng phospho khuyến nghị đối với mỗi người phụ thuộc vào lứa tuổi.
Người lớn cần ít phospho hơn trẻ từ 9-18 tuổi nhưng cần nhiều hơn so với trẻ em dưới 8 tuổi.
Viện Linus Pauling đã đưa ra bảng nhu cầu khuyến nghị đối với lượng phospho tiêu thụ hàng ngày như sau:
- Người lớn (trên 19 tuổi): 700 mg
- Trẻ em (9-18 tuổi): 1250 mg
- Trẻ em (4-8 tuổi): 500 mg
- Trẻ em (1-3 tuổi): 460 mg
- Trẻ em (7-12 tháng tuổi): 275 mg
- Trẻ em (0-6 tháng tuổi): 100 mg
Hiện nay tỷ lệ thiếu phospho là rất ít, hầu hết mọi người đều có thể bổ sung đủ lượng phospho cần thiết thông qua chế độ ăn.
Nguy cơ của thừa phospho
Quá nhiều phospho có thể gây ngộ độc, dẫn đến tiêu chảy, xơ cứng các cơ quan và mô mềm.
Thừa phospho còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các khoáng chất khác của cơ thể như sắt, canxi, magie và kẽm. Phospho còn có thể kết hợp với canxi gây tích lũy các khoáng chất trong các bó cơ.
Trường hợp tăng phospho huyết rất hiếm, thường thì chỉ xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh thận hay gặp phải các vấn đề về khả năng điều hòa canxi trong cơ thể.
Nguy cơ gặp phải nếu thiếu phospho
Một số loại thuốc có thể làm hạ nồng độ phospho trong cơ thể bao gồm:
- Insulin
- Các chất ức chế men chuyển angiotensin
- Thuốc kháng acid
- Thuốc chống động kinh
Các triệu chứng của hạ phospho huyết:
- Đau cơ, xương
- Mất vị giác
- Lo lắng, kích thích
- Mệt mỏi
- Chậm phát triển xương ở trẻ em
Do vậy, nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc này, hãy trao đổi với bác sỹ về việc tăng cường ăn những thực phẩm giàu phospho hay sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung phospho.