Khoảng 50-75% lượng magie (Mg) trong cơ thể tập trung ở xương, đa phần còn lại phân bố ở cơ bắp, các tổ chức mô mềm và một lượng rất nhỏ trong máu. Hàm lượng magie trong máu luôn được duy trì ở mức ổn định để đảm bảo cho cơ thể hoạt động bình thường. Có thể nói phụ nữ là một trong những đối tượng cần sử dụng Mg nhiều nhất.
Vai trò của Mg trong từng giai đoạn của phụ nữ
Trong cơ thể, Mg có nhiều trong xương và mô mềm. Mg là yếu tố chính trong tế bào (chỉ sau kali), có mặt trong thành phần của gần 300 men khác nhau và tham gia trên 300 phản ứng enzym liên quan đến chuyển hóa tạo năng lượng, sinh tổng hợp protein và axit nucleic. Tùy từng giai đoạn của cơ thể mà vai trò của Mg đối với nữ giới lại khác nhau.
Những thực phẩm chứa nhiều magiê.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, nồng độ oestrogen của phụ nữ sẽ tăng, đồng thời lượng Mg giảm. Lúc này phụ nữ dễ bị stress, cáu gắt và xuất hiện một số triệu chứng trước khi có kinh như: đau bụng, nhức đầu, buồn nôn. Ở những trường hợp này, Mg hỗ trợ khá tốt vì Mg đóng vai trò trong quá trình giữ thăng bằng, ổn định thần kinh, làm giảm stress. Ngoài ra, Mg cũng có tác dụng làm giãn cơ nên giúp giảm đau.
Trong thời kỳ thai nghén, nồng độ nội tiết tố tăng gấp 30 lần so với lúc bình thường sẽ gây hàng loạt những biến đổi sinh học trong cơ thể, khiến phụ nữ mang thai thời kỳ này cảm thấy uể oải, mệt mỏi, buồn nôn... Và khi nội tiết thay đổi thì tâm sinh lý phụ nữ cũng thay đổi, buồn vui thất thường, dễ bị stress, khó chịu...
Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do thiếu Mg bởi cơ thể khi đó tăng đột biến các phản ứng sinh học, dẫn đến tăng nhu cầu về các enzym xúc tác cho các phản ứng này. Thiếu Mg có thể khiến cho não dễ bị kích thích.
Thiếu Mg sẽ làm giảm tính kích thích của nơron và sự dẫn truyền nơron cơ, có thể dẫn đến giật cơ ở mặt, co rút cơ bắp, chuột rút ở chân khi bạn đang cố gắng ngủ.
Trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ oestrogen giảm, người phụ nữ thường có triệu chứng mệt mỏi, cáu gắt, bốc hỏa, dễ bị stress... Lúc này, hiện tượng khô khớp, thoái hóa xương khớp, loãng xương bắt đầu xuất hiện, mức độ đau nhức tăng dần theo tuổi tác...
Trong trường hợp này, Mg rất cần cho các enzym trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy sự canxi hóa để tạo thành phospho canxi và Mg trong xương. Bổ sung Mg trong giai đoạn này giúp canxi và phospho cố định trên xương.
Đối với phụ nữ, hầu như có thể coi Mg là người bạn đồng hành với trên mỗi chặng đường của thời gian.
Những dấu hiệu cảnh báo thiếu Mg
Ù tai: Có tiếng ran như ve kêu trong tai, giảm thính lực hay mất thính lực là những dấu hiệu phổ biến cảnh báo bạn đang ở tình trạng thiếu Mg. Một số nghiên cứu khoa học cho biết, những bệnh nhân từng mất thính lực được bổ sung Mg thường xuyên có thể khôi phục khả năng nghe đã mất trong vòng 3 tháng.
Bị chuột rút: Co rút cơ bắp hoặc rùng mình cũng là những dấu hiệu điển hình của tình trạng thiếu Mg bởi Mg là yếu tố rất quan trọng để củng cố chức năng cơ bắp. Nếu không có Mg, cơ thể sẽ ở trong trạng thái co giật, vì khoáng chất này cho phép các cơ bắp giãn ra (có tác dụng giãn cơ). Đó là lý do tại sao người ra dùng oxit magie để giúp phụ nữ khi lâm bồn và trong nhiều thuốc hỗ trợ giấc ngủ thường hay có sự góp mặt của thành phần chứa Mg.
Rối loạn nhịp tim: Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo thiếu Mg. Vì Mg không chỉ ảnh hưởng đến các cơ bắp thông thường, mà cơ tim cũng bị ảnh hưởng khi thiếu Mg. Thiếu Mg, tim không đập thường xuyên và điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc các biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Sỏi thận: Trên thực tế, thiếu Mg là thủ phạm giấu mặt gây nên sỏi thận trong nhiều trường hợp. Bởi Mg có tác dụng ngăn chặn sự tạo sỏi bằng cách ức chế liên kết giữa canxi với oxalate, hai hợp chất tạo nên sỏi. Vì vậy, hãy bổ sung Mg để ngăn ngừa căn bệnh này.
Mg có nhiều trong các loại thực phẩm, nhất là rau xanh như đậu bắp, hướng dương, hạt bí ngô, hạnh nhân, đậu nành, đậu đen, hạt điều và rau chân vịt. Vì đây đều là các nguồn Mg tự nhiên, nhưng thường dễ bị mất trong quá trình chế biến hoặc mất ở những bệnh nhân bị bệnh lý về đường ruột nên chúng ta cần bổ sung thêm viên uống ngoài chế độ ăn uống hàng ngày (theo chỉ định của bác sĩ).
Lưu ý: Không sử dụng Mg cho những người bị suy thận nặng, khi có thiếu canxi đi kèm thì nên bổ sung canxi trước khi bổ sung Mg để tránh tương tác cạnh tranh trong giai đoạn hấp thu.