Hà Nội

Vai trò của insulin với bệnh đái tháo đường

14-05-2017 14:52 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hóa carbonhydrat (chất đường)...

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hóa carbonhydrat (chất đường), lipid (chất béo), protein (chất đạm). Nguyên nhân của bệnh do thiếu insulin có kèm hoặc không kèm kháng insulin với các mức độ khác nhau. Vậy việc dùng insulin thế nào cho đúng?

Dùng insulin như thế nào?

Khôi phục đúng lượng insulin cho từng thời điểm cụ thể của từng bệnh nhân chắc chắn sẽ giúp ổn định đường máu (ĐM). Vì mỗi loại bệnh ĐTĐ týp 1 và týp 2 có sự thiếu hụt insulin khác nhau nên cách bù insulin cũng rất khác nhau.

Đối với bệnh ĐTĐ týp 1, do tụy của bệnh nhân không còn khả năng tiết insulin nữa nên bắt buộc phải đưa insulin từ ngoài vào một cách đều đặn. Bình thường cứ 12 phút tụy lại bơm vào máu một lượng insulin ngay cả khi ta không ăn gì, lượng insulin này giúp cho việc chuyển hoá đường liên tục được sản xuất ra bởi gan. Khi ăn, tụy tiết thêm nhiều insulin nên khi dùng insulin ta nên nhớ 2 điểm quan trọng.

- Tiêm insulin trước bữa ăn (trừ mũi tiêm insulin chậm trước khi đi ngủ có thể không cần ăn).

- Không bao giờ được ngừng tiêm insulin kể cả không ăn gì (phải giảm liều insulin).

Việc sử dụng insulin một cách đúng đắn đòi hỏi hiểu biết cặn kẽ về các loại insulin khác nhau, thời gian bắt đầu có tác dụng, lúc có tác dụng cực đại và lúc nào hết tác dụng. Bác sĩ điều trị sẽ chọn cho bạn số lần tiêm insulin, bạn không được thay đổi loại insulin và số lần tiêm nếu không có ý kiến của bác sĩ.

Nếu biết sử dụng insulin đúng cách, cuộc sống của người ĐTĐ týp 1 hoàn toàn có thể kéo dài được rất lâu (hơn 70 năm). Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tùy thuộc vào việc tiêm insulin có đúng và đủ hay không.

Nếu vết tiêm ở bụng tấy đỏ, mẩn ngứa, sưng nề..., thì phải đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện (ảnh minh họa).

Người ĐTĐ týp 2 có nên dùng insulin?

ĐTĐ týp 2 được hiểu là có sự thiếu insulin tương đối và gia tăng đề kháng insulin. Điều trị bệnh ĐTĐ týp 2 cơ bản dựa vào chế độ ăn, tập thể dục và thuốc uống. Tuy nhiên có nhiều tình thế bắt buộc phải sử dụng insulin như: khi bị hôn mê tăng đường máu, nhiễm khuẩn nặng; bị tai biến mạch máu não, tắc mạch; khi điều trị phẫu thuật; có thai, cho con bú; có biến chứng suy gan, thận, suy tim; cần chụp Xquang có thuốc cản quang tĩnh mạch...; thuốc uống không còn hiệu lực (có từ 10-15% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 ngay từ đầu đã không đáp ứng với thuốc uống. Hàng năm có thêm chừng 5-10% người ĐTĐ không thể kiểm soát được ĐM bằng thuốc uống. Sau 5 năm mắc bệnh có 30-40% người ĐTĐ buộc phải dùng insulin nếu muốn có đường máu ổn định tốt và sau 10 năm mắc bệnh chỉ còn khoảng 25% số bệnh nhân điều trị được bằng các loại thuốc uống hạ ĐM).

Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 khi chế độ ăn và tập luyện hợp lý, dùng thuốc uống đến liều tối đa nhưng ĐM vẫn luôn luôn cao (lúc đói > 7,8mmol/l, sau ăn > 11mmol/l; HbA1c >8%), chứng tỏ tụy tiết rất ít insulin thì việc điều trị lúc này hoặc là chuyển hoàn toàn sang dùng insulin hoặc là dùng thuốc uống trước các bữa ăn kết hợp tiêm thêm liều nhỏ insulin bán chậm hoặc chậm trước khi đi ngủ (có thể không cần phải ăn sau tiêm). Sau một thời gian điều trị bằng insulin, bác sĩ sẽ quyết định xem có thể quay trở lại với chế độ dùng thuốc uống đơn độc được không.

Tiêm insulin càng sớm, càng có cơ hội quay trở lại với thuốc uống hạ đường máu.Việc sử dụng insulin để điều trị không có nghĩa là bệnh nặng lên, chỉ đơn giản là cơ thể của bạn cần thêm một lượng insulin từ bên ngoài để duy trì cân bằng ĐM.

Insulin có tác dụng phụ không?

Như bất kỳ một loại thuốc chữa bệnh nào khác, insulin cũng có tác dụng phụ. Rất may là tác dụng phụ này ít gặp (0,1-3%) và thường không để lại hậu quả nặng nề. Các tác dụng phụ rất khác nhau giữa bệnh nhân này và bệnh nhân khác, có người gặp, có người không gặp. Trong đó thường gặp nhất là:

Hạ ĐM: nguyên nhân hạ ĐM khi tiêm là do bệnh nhân bỏ ăn, do ăn ít, do vận động quá nhiều bất thường, do dùng quá liều thuốc, do tương tác với các thuốc gây hạ ĐM khác. Nếu bị hạ ĐM, chỉ cần đưa ĐM trở lại bình thường bằng cách ăn thêm chất đường, quả ngọt là các triệu chứng sẽ qua đi nhanh chóng.

Nổi mẩn đỏ và ngứa nơi tiêm: các triệu chứng này rất nhẹ, bệnh nhân chỉ khó chịu chút ít. Làm ấm lại lọ insulin bằng nhiệt độ trong phòng hoặc dùng thêm thuốc chữa dị ứng có thể dễ dàng giải quyết vấn đề. Nếu không đỡ hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đổi thuốc.

Tăng cân: cũng như bất kỳ thuốc làm giảm ĐM nào khác, bệnh nhân thường sẽ tăng vài cân khi ĐM hạ xuống về mức bình thường. Điều chỉnh thật phù hợp liều insulin và chế độ ăn sẽ hạn chế được tác dụng phụ này.

Dị ứng insulin có thể ở mức độ trung bình: Các triệu chứng bao gồm: mẩn ngứa, sưng nề chỗ tiêm. Nếu nặng hơn thì sẽ thấy mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở. Trong trường hợp này cần phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay.


ThS.BS. Nguyễn Huy Cường
Ý kiến của bạn