Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM), gần đây bệnh viện có tiếp nhận điều trị cho người bệnh Phạm Văn D. (66 tuổi, ngụ tại TP HCM) đã mắc đái tháo đường 22 năm.
Khi đến khám, bệnh của ông đã có biến chứng thận, tăng huyết áp, loét bàn chân, bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh. Được biết, người bệnh có thao tác tiêm insulin và thời gian dùng insulin trong ngày không đúng, bên cạnh đó, bệnh nhân cũng ăn vặt nhiều lần trong ngày.
Với trường hợp của ông D, ThS BS. Đinh Ngô Tất Thắng- Khoa Nội tiết BV ĐHYD TP.HCM cho biết, bác sĩ cần điều chỉnh liều insulin, kết hợp với theo dõi đường huyết nhiều lần trong ngày, hoặc có thể dùng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục (CGM) nhằm điều chỉnh liều insulin cho phù hợp. Mặt khác, cần tư vấn cách tiêm insulin, chế độ ăn, cách chăm sóc chân hằng ngày và các vấn đề khác liên quan đái tháo đường cho người bệnh và người nhà.
Bệnh nhân đái tháo đường cần có chế độ chăm sóc, theo dõi điều trị toàn diện
Vai trò của insulin trong điều trị đái tháo đường
BS CKI. Lê Hoàng Bảo - Khoa Nội tiết BV ĐHYD TPHCM cho biết, insulin là một hormone do tế bào beta của tụy tiết ra, có vai trò làm giảm đường huyết. Thuốc tiêm insulin được phát minh từ năm 1921 tại Canada. Đây là một phát minh quan trọng giúp kiểm soát tốt đường huyết, cũng như phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cấp và mạn tính của đái tháo đường.
Ở người bệnh mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1, tế bào beta của tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin hoàn toàn. Do vậy người bệnh đái tháo đường tuýp 1 cần phải được điều trị bằng cách bổ sung insulin cho cơ thể.
Ở người bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể vẫn sản xuất được insulin nhưng lại có hiện tượng kháng insulin ở tế bào đích. Ở giai đoạn đầu của bệnh, cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết insulin. Khi bệnh tiến triển, các tế bào beta của tụy bị suy giảm dẫn tới người bệnh đái tháo đường tuýp 2 phải điều trị phối hợp nhiều loại thuốc, có thể bao gồm cả điều trị bằng insulin.
Nguyên tắc vàng khi tiêm insulin
Theo ThS BS. Đinh Ngô Tất Thắng - Khoa Nội tiết BV ĐHYD TP.HCM, đối với người bệnh đái tháo đường, việc sử dụng các loại thuốc phù hợp theo giai đoạn bệnh giúp kiểm soát bệnh tốt và phòng ngừa các biến chứng. Hiện nay, insulin rất đa dạng, có nhiều loại bút tiêm với ưu điểm dễ dàng sử dụng, liều lượng chính xác, ít đau và dễ mang theo. Tuy nhiên, người bệnh cần được hướng dẫn thao tác tiêm insulin đúng, trong đó, nên chú ý các nguyên tắc vàng trong kỹ thuật tiêm để đảm bảo an toàn, hiệu quả như:
- Chọn bơm tiêm phù hợp với nồng độ insulin.
- Đảm bảo đồng nhất thuốc trước khi tiêm.
- Tránh tiêm vào cơ: nên chọn kim tiêm ngắn (4mm); véo da khi tiêm đúng đối tượng và đúng cách.
- Chọn vị trí tiêm phù hợp: bụng, hai bên hông, đùi hoặc cánh tay
- Phòng ngừa loạn dưỡng mô mỡ: luân chuyển vị trí tiêm, hạn chế tái sử dụng kim tiêm.
Khi sử dụng insulin, người bệnh và người nhà cần tuân thủ các nguyên tắc trên để tiêm insulin đúng cách nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt cũng như hạn chế những biến chứng có thể xảy ra do tiêm insulin sai kỹ thuật. Những nguy cơ thường gặp nếu người bệnh tiêm insulin sai cách có thể kể đến như:
- Hạ đường huyết: đây là biến chứng đầu tiên và phổ biến nhất nếu người bệnh tự ý tăng liều hoặc sử dụng bơm tiêm insulin sai cách.
- Nhiễm trùng tại vị trí tiêm: thường xảy ra đối với người bệnh không vệ sinh vị trí tiêm. Khi gặp tình huống này người bệnh cần liên lạc với bác sĩ để được điều trị phù hợp.
- Loạn dưỡng mô mỡ dưới da: hay gặp ở người bệnh tiêm insulin cùng một vị trí trong thời gian dài. Các biến đổi thường gặp là teo hoặc phì đại mô mỡ dưới da.
TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết BV ĐHYD TP.HCM khuyến cáo, các nghiên cứu cho thấy hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc bệnh đái tháo đường. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh đái tháo đường nên tự trang bị các kiến thức chăm sóc sức khỏe thông qua các kênh thông tin chính thống của các cơ sở y tế, tham gia các câu lạc bộ người bệnh… để chủ động kiểm soát bệnh cũng như phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nhằm hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới và kỷ niệm 100 năm phát hiện ra insulin – phương pháp điều trị mang đến cơ hội kiểm soát hiệu quả đái tháo đường cho hơn 460 triệu người đang sống chung với bệnh, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TP.HCM phối hợp cùng VPĐD Becton Dickinson Việt Nam thực hiện Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Insulin - Hành trình 100 năm đồng hành cùng người bệnh đái tháo đường", xem tại link: https://bit.ly/Insulindonghanhcungnguoibenhdaithaoduong
Với sự tư vấn của TS BS. Trần Quang Nam, ThS BS. Đinh Ngô Tất Thắng và BS CKI. Lê Hoàng Bảo - Khoa Nội tiết BV ĐHYD TP.HCM, chương trình đã cung cấp thông tin hữu ích về việc điều trị insulin cho người bệnh đái tháo đường, cùng những nguyên tắc tiêm insulin để đảm bảo an toàn và hiệu quả.