Những chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh – Trưởng Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các phương pháp phẫu thuật khúc xạ và vai trò của máy móc trong phẫu thuật khúc xạ.
Phương pháp phẫu thuật thủ công cũ
Phẫu thuật rạch giác mạc hình nan hoa là loại phẫu thuật được thực hiện để điều trị cận thị (phẫu thuật tật khúc xạ) vào những năm 1980 và 1990. Thủ thuật này tạo ra những vết cắt nhỏ trong giác mạc để làm phẳng bề mặt giác mạc. Trong trường hợp loạn thị, bác sĩ phẫu thuật có thể tạo nhiều vết cắt hơn lên giác mạc.
Phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ này tồn tại nhiều khuyết điểm:
Kết quả phẫu thuật ở bên mắt đầu tiên có thể ảnh hưởng đến bên mắt còn lại. Vì thế, nhiều bác sĩ sẽ đợi đến 6 tuần sau lần phẫu thuật đầu tiên trước khi tiếp tục phẫu thuật lần hai nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Trong thời gian chờ này, người bệnh có thể sẽ cần đeo kính áp tròng cho mắt chưa được điều trị vì đeo kính có gọng lúc này sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Phẫu thuật rạch giác mạc hình nan hoa còn tồn tại nhiều khuyết điểm
Phương pháp phẫu thuật này cũng không phù hợp với một số đối tượng như: người cận thị có độ cận tăng nhanh, không ổn định, cận thị bệnh lý, vốn có tiến triển bệnh nhanh.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh – Trưởng Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: "Phương pháp phẫu thuật rạch giác mạc nan hoa là phương pháp cũ, còn tồn tại nhiều khuyết điểm, y học hiện nay đã không còn sử dụng phương pháp này nữa, để đảm bảo tính an toàn cho người bệnh, hiện nay chúng tôi chỉ sử dụng các phương pháp phẫu thuật bằng tia laser".
Phẫu thuật khúc xạ bằng hệ thống máy móc công nghệ cao
Phẫu thuật Lasik ra đời thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Với phương pháp này, hệ thống máy móc đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình phẫu thuật. Có 2 loại máy được sử dụng cho phương pháp này, đó là Mel8- và Mel90.
Mel80 là máy Laser excimer thế hệ thứ 5 xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2005-2006 tần số laser tối đa 250Hz, thời gian điều trị 1 độ cận là 3s. Trong khi đó Mel90 là thế hệ thứ 6 hiện đại hơn, ra đời năm 2014-2015, nổi trội hơn thế hệ cũ với năng lượng laser lên tới 500Hz, có thể thay đổi linh hoạt từ 250 – 500Hz giúp thời gian điều trị giảm xuống còn 1.3s / 1 độ, thời gian nhanh và công nghệ tự động nhận diện khi bệnh nhân cử động mắt trong quá trình phẫu thuật giúp cho kết quả chính xác hơn nhiều, giảm thiểu tối đa các hiện tượng quầng sáng, chói khi nhìn ban đêm. Ngoài ra, thiết kế hệ thống của Mel90 giúp cho phẫu thuật viên thuận tiện và chủ động trong thao tác cũng như cài đặt thông số, giảm thiểu thời gian và giúp ca phẫu thuật đạt kết quả tối ưu nhất.
Hệ thống máy Mel90 được ưu tiên sử dụng tại các bệnh viện lớn
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh – Trưởng Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: "Về mặt nguyên lý, các máy đều như nhau, máy càng hiện đại thì tần số đốt laser nhanh hơn, thời gian phẫu thuật rút ngắn hơn, hệ thống theo dõi mắt chính xác hơn, giúp bác sĩ theo dõi được chuyển động của mắt trong quá trình phẫu thuật được chính xác hơn, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phẫu thuật". Vì vậy nên phần lớn hiện nay các bệnh viện chuyên khoa mắt đều trang bị cho mình hệ thống Mel90 để phẫu thuật Lasik hoặc Femto-Lasik.
Như vậy, hệ thống máy móc đóng vai trò quan trọng đối với thành công của một cuộc phẫu thuật. Khách hàng trước khi tiến hành phẫu thuật khúc xạ cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở uy tín, máy móc hiện đại, chú ý quá trình chăm sóc mắt sau phẫu thuật để mang lại kết quả tốt nhất cho mắt.