Thuật ngữ thông tin thuốc (TTT) những năm gần đây đã được đưa vào giảng dạy tại các trường Y - Dược Việt Nam và được đặt vào những ngữ cảnh cụ thể kèm theo khái niệm dược lâm sàng liên quan đến dược sĩ - bác sĩ và người sử dụng thuốc, những đối tượng chính của TTT trong các bệnh viện (BV). Với thực tế hiện nay thuốc chữa bệnh ngày càng đa dạng và phức tạp, hoạt động TTT cần được đẩy mạnh hơn nữa trong các BV để đảm bảo việc dùng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế.
Một sản phẩm thuốc được coi là thuốc dùng để chữa bệnh cho người chỉ khi nào nó đảm bảo đủ hai yếu tố cấu thành, đó là sản phẩm đó phải có hoạt tính dược lý lâm sàng và phải có thông tin đi kèm về công dụng, cách sử dụng. Nói cách khác TTT là những thông tin gắn liền với thuốc. Nếu ta có một sản phẩm thuốc mà không có thông tin đi kèm được biết trước (từ các nguồn thông tin khác nhau) thì không ai dám sử dụng nó cho người bệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày 4/7/1997 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/BYT-TT về việc hướng dẫn tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng thuốc và điều trị (HĐT&ĐT) tại các BV. Theo đó thì một trong những nhiệm vụ của HĐT&ĐT của BV là phải TTT và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR). Ngày 13/11/2003, Vụ điều trị , nay là Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã có Công văn số 10766/YT-ĐTr về việc hướng dẫn tổ chức, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của đơn vị TTT trong BV. Công văn số 3483/YT-ĐTr của Bộ Y tế ngày 19/5/2004 cũng một lần nữa hướng dẫn các BV trên toàn quốc phải thành lập đơn vị TTT trong BV. Từ đó đến nay, tiêu chí BV phải có đơn vị TTT trực thuộc Khoa dược được đưa vào tiêu chuẩn kiểm tra hàng năm của Bộ Y tế đối với các BV từ cấp trung ương đến cơ sở. Mới đây, ngày 24/3/2009 BYT đã ra Quyết định số 991 thành lập Trung tâm quốc gia về TTT (DI) và theo dõi ADR đặt tại Đại học dược Hà Nội đã nâng cao tầm quan trọng của công tác TTT và cảnh giác dược để việc sử dụng thuốc của mọi đối tượng liên quan đến các dược phẩm dùng cho người ngày càng được đưa vào nề nếp.
Ảnh minh họa. Ảnh: Gettyimages.com |
Từ khi các đơn vị TTT trong BV được thành lập, hoạt động TTT và theo dõi ADR đã được các BV trên toàn quốc đưa vào hoạt động của mình như là những nội dung chính của công tác dược lâm sàng BV. Với những hình thức thu thập, lưu trữ và xử lý TTT đã góp phần làm cho việc dùng thuốc của các BV đi vào đúng quỹ đạo, đáp ứng nhu cầu của thầy thuốc và bệnh nhân về việc dùng thuốc, đem lại hiệu quả to lớn trong các phác đồ điều trị, giúp việc sử dụng thuốc được tốt hơn, phòng tránh, khắc phục được những ADR trong quá trình dùng thuốc. Tuy nhiên, hoạt động TTT muốn làm tốt, cần có những yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, nhân lực và đặc biệt là thay đổi nhận thức trong việc hình thành các trung tâm TTT mà tại các BV là đơn vị TTT. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào TTT hiện nay, kể cả các BV lớn đầu ngành cũng còn hết sức chậm chạp. Theo báo cáo của Trung tâm DI& ADR Quốc gia, điều tra tại 14 BV lớn và 6 trường đại học Y dược ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Thái Nguyên với tổng số người tham gia là 174 người gồm BS, DS, điều dưỡng và giảng viên thì nguồn thông tin chủ yếu của cán bộ y tế Việt Nam vẫn là tra cứu trong các sách và tạp chí như Dược thư quốc gia, VIDAL, MIMS, thông tin dược lâm sàng, dược học...Tỉ lệ các cán bộ y tế sử dụng phần mềm và các website để tra cứu thông tin rất thấp. Chính vì vậy mà thông tin thường chậm, không cập nhật và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó hiện nay khoa dược các BV được giao rất nhiều nhiệm vụ, kể cả việc phải vận chuyển một khối lượng thuốc lớn xuống buồng bệnh trong khi nhân lực dược rất thiếu đã làm cho công tác dược lâm sàng cũng như TTT gặp nhiều khó khăn. Theo ThS. Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý KCB thì quy định tỉ lệ BS/giường bệnh và tỉ lệ DS/giường bệnh phải dao động trong khoảng từ 1/8- 1/15 tuỳ theo cấp độ BV. Nhưng thực tế hiện nay tại các BV do DS thiếu trầm trọng nên tỉ lệ này đang gấp đến 17,8 lần. Các BV đã thiếu DS, lại chưa được đào tạo cập nhật về TTT, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác này cũng như chất lượng của thông tin và phương pháp TTT. Hiện nay chỉ mới có khoảng 23% đơn vị TTT trong BV có DS chuyên trách, mà phần lớn trong số này là các BV đầu ngành. DS lâm sàng lại càng thiếu, tỷ lệ này là 0,045/100 giường bệnh. Ngay cả ở các BV lớn đầu ngành, có nơi khoa Dược vẫn chưa được nối mạng internet, khiến cho việc tra cứu thông tin của các DS cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các BV xa trung tâm.
Hoạt động TTT rất cần có những cán bộ tâm huyết và biết cách thông tin trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Bên cạnh những thuận lợi về cơ sở pháp lý cho hoạt động TTT đã được các cơ quan chức năng ban hành, các đơn vị TTT trong khoa Dược cần phải được trang bị cơ sở vật chất tối thiểu (trụ sở làm việc, internet, điện thoại, kinh phí mua sách báo chuyên ngành...) và đặc biệt là phải có DS chuyên trách được đào tạo cập nhật về TTT. Cần phải đẩy mạnh công tác dược lâm sàng trong BV gắn liền với TTT bắt đầu từ việc tăng cường nguồn nhân lực cho khoa Dược. Các đơn vị TTT tại các BV phải biến thành vệ tinh của Trung tâm quốc gia về DI&ADR. Cần có sự trao đổi TTT từ các BV phản hồi về trung tâm quốc gia một cách toàn diện chứ không chỉ là các báo cáo ADR. Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để Trung tâm quốc gia về DI&ADR có kinh phí tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ làm TTT tại các BV trên toàn quốc. Bản tin dược lâm sàng của Trung tâm này cần được cải tiến, thiết thực và cập nhật hơn, gắn liền với việc sử dụng thuốc của người Việt Nam trên mô hình bệnh tật của nước ta chứ không chỉ là các bản dịch từ nguồn thông tin nước ngoài thiếu tính thực tế và khả thi ở các BV Việt Nam.
Nhu cầu về TTT ngày nay không chỉ đối với các nhân viên y tế trong BV mà phải vươn tới cả cộng đồng. Nhu cầu này đang ngày càng đa dạng và phong phú, không chỉ là thông tin về một thuốc trong trạng thái sử dụng đơn lẻ của nó, mà còn là sự phối hợp, tương tác và những cảnh báo dược liên quan đến thuốc đó. Trong lĩnh vực TTT, đầu tiên phải nói đến là hoạt động của các DS, người đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp TTT cho BS, nhân viên y tế và người bệnh. Muốn khai thác tốt và sử dụng hiệu quả tài nguyên TTT sẵn có từ các nguồn thông tin phù hợp, người DS phải biết cách nắm bắt nhu cầu, biết cách phân tích, đánh giá và đưa ra TTT phù hợp với từng đối tượng. Để làm được việc đó, cần có sự đào tạo và đào tạo lại cho các DS làm công tác TTT. Mỗi DS lâm sàng BV cần phải trau dồi về chuyên môn và kỹ năng thông tin, thường xuyên cập nhật kiến thức để làm tốt vai trò là những chuyên gia về thuốc. Mối quan hệ tam giác DS-BS-Bệnh nhân cần phải được tăng cường hơn nữa khi đặt trong bối cảnh thuốc chữa bệnh ngày càng đa dạng và đổi mới không chỉ là dạng bào chế mà sự tương tác trong việc dùng thuốc phối hợp đang rất phổ biến hiện nay.
ThS. Lê Quốc Thịnh