Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên cả nước, Đảng ủy Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Cục để lãnh đạo cán bộ, đảng viên tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ phòng chống dịch và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Y trong việc từng bước đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế. Hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế giao về công tác khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực y tế năm 2021.
Huy động nhân lực chống dịch
Trong năm 2021, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong toàn quốc chuẩn bị và sẵn sàng huy động cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch COVID-19, phối hợp với Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã tiến hành tổ chức trực tuyến khóa tập huấn ToT "Cập nhật kiến thức và kỹ năng phòng chống COVID-19" cho giảng viên các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe nhằm tăng cường về các nội dung tiêm chủng và an toàn tiêm chủng; lấy mẫu và xét nghiệm; chăm sóc điều trị, phòng lây nhiễm chéo với sự tham dự của 698 giảng viên của 95 cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe.
Tổ chức tập huấn giảng viên (ToT) cho 549 cán bộ, giảng viên của 102 trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc về tiêm chủng các loại vaccine phòng COVID-19 theo hình thức trực tuyến. Đến nay đã có 90 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc đã tổ chức tập huấn cho 30.287 cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đủ kiến thức và kỹ năng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Về việc huy động hỗ trợ nhân lực của các cơ sở đào tạo tình nguyện tham gia phòng COVID-19, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4-15/10/2021): Tổng số nhân lực của các cơ sở đào tạo đã chi viện cho các địa phương đợt dịch thứ 4 có 34 cơ sở đào tạo, với 19.935 người, đến nay có 19.883 người đã hoàn thành nhiệm vụ trở về nơi công tác và học tập.
Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19
Năm 2021, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Đầu tiên phải kể đến vấn đề nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước và chuyển giao công nghệ phục vụ phòng chống dịch.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã tích cực, chủ động đẩy mạnh triển khai các nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế là tạo điều kiện tốt nhất, rút ngắn tối đa tất cả các thủ tục quản lý nhằm tạo điều kiện có vaccine trong nước sớm nhất. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo an toàn, khoa học và chất lượng cho người dân, đồng thời trên nguyên tắc mọi vaccine đều được triển khai nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng (TNLS) bình đẳng theo quy định.
Để kịp thời đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về tổ chức thực hiện tiếp nhận, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT ngày 07/5/2021 thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19; Quyết định 2300/QĐ-BYT ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Văn phòng Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19; thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 để kịp thời chỉ đạo triển khai các hoạt động đàm phán, tiếp nhận nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến đã thành công trong việc phát triển, nghiên cứu sản xuất vaccine trên thế giới, nhằm rút ngắn thời gian có vaccine sản xuất trong nước phục vụ phòng chống dịch.
Đến nay vaccine Nano Covax đã nghiệm thu kết quả TNLS giai đoạn 1, hoàn thành tiêm của giai đoạn 2, giai đoạn 3 và đang tiếp tục thu thập dữ liệu đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vaccine theo đề cương nghiên cứu được phê duyệt. Vaccine COVIVAC đang hoàn thiện báo cáo giữa kỳ giai đoạn 2, vaccine ARCT-154 đã tiêm xong mũi 1 của giai đoạn 3b. Về Nano Covax, hiện hồ sơ đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách của vaccine đang được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc về xem xét, đánh giá theo hình thức cuốn chiếu.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, tiếp nhận nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài khác: Vaccine Hipbra của Tây Ban Nha; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật); Sputnik-V (Nga); GBP510 (Hàn Quốc). Đang tiếp tục đàm phán với đối tác Cu Ba về chuyển giao công nghệ vaccine Sorebana 2 cho trẻ em và Soberana Push tăng cường miễn dịch.
Ngoài ra, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo còn triển khai đánh giá tính an toàn và cập nhật dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine COVID-19 AstraZeneca trong quá trình sử dụng; nghiên cứu đánh giá hiệu quả tiêm trộn vaccine COVID-19; đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm COVID-19 nhằm rà soát, tăng cường công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2.
Thuốc điều trị COVID-19
Cũng trong năm 2021, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo vẫn tiếp tục nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19, chỉ đạo triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại bệnh viện để đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc. Dựa trên kết quả đánh giá giữa kỳ cho thấy tính an toàn và hiệu quả bước đầu của thuốc, ngày 25/8/2021 Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh và đến nay đang được tiếp tục triển khai tại 36 tỉnh/thành phố có dịch trên cả nước.
Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình cho thấy, thuốc an toàn, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch của TP.Hồ Chí Minh và các địa phương.
Hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả và hồ sơ phục vụ cấp phép lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước; triển khai nghiên cứu đánh giá hiệu quả dự phòng của thuốc nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thử nghiệm lâm sàng, thí điểm sử dụng thuốc kháng vi rút, thuốc sinh học để điều trị COVID-19: "Phác đồ phối hợp Lopinavir/Ritonavir", "Kovir"; kháng thể đơn dòng, huyết tương bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.
Bên cạnh đó, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm việc với đối tác Công ty Shionogi – Nhật Bản để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị COVID-19; với Công ty Xenothera – CH Pháp về hợp tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ thuốc kháng thể đa dòng điểu trị COVID-19,…
Đảng ủy Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đoàn kết cùng với toàn thể cán bộ, viên chức nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao.