Nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học chính xác và đầy đủ hơn nữa về công nghệ sinh học, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Croplife Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ sinh học với việc cải thiện nguồn cung thực phẩm và sức khỏe” tại Hà Nội
Hội thảo diễn ra ngày 7/11 với sự tham gia của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, đầu ngành y khoa và nông nghiệp, sinh học trong và ngoài nước do PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành chủ trì Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thế giới đang đối diện với một vấn đề rất mới: Công nghệ sinh học (CNSH) và thực phẩm Biến đổi gen (TPBĐG). Dù là một thành tựu khoa học tiến bộ của thế giới trong suốt nhiều chục năm qua và được nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Canada và nhiều quốc gia phát triển khác chấp nhận nhưng tại Việt Nam, CNSH, cây trồng biến đổi gien và những ứng dụng của CNSH hiện còn chưa được nhiều người biết đến.
CNSH nói chung và TPBĐG nói riêng đã đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần làm tăng năng suất, giảm chi phí nông nghiệp, đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã đưa ra các thông tin cập nhật về An ninh lương thực, thực phẩm, TPBĐG và vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, PGS.TS Phạm Văn Hoan cũng đã đưa ra các tranh luận và bằng chứng về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định rằng: TPBĐG là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người.
"CNSH đã được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Trong đó, nổi bật hơn cả là lĩnh vực y dược, tạo hiệu quả cao trong phục vụ chẩn đoán và điều trị. Riêng lĩnh vực dược phẩm, CNSH được ứng dụng để sản xuất Cytokine, Enzyme, Hormone, Yếu tố đông máu, Vắc xin, Kháng thể đơn dòng, Chất ức chế enzyme, Chất ức chế miễn dịch…"- PGS.TS Phạm Văn Hoan thông tin
Liên quan đến Hiện trạng ứng dụng CNSH trong nông nghiệp trên toàn cầu, bà Rhodora R. Aldemita – Giám đốc trung tâm SEAsia – Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về CNSH, Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng CNSH trong Nông nghiệp (ISAAA) khẳng định, CNSH là một trong các lựa chọn để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế và môi trường bền vững.
CNSH tiếp tục đóng vai trò quan trọng để đảm bảo mục tiêu đạt 50% nhu cầu thực phẩm vào năm 2050, có thể giúp giải quyết các thách thức được chỉ ra bởi FAO, UN như: Quá trình tăng dân số, đô thị hóa, già hoá; Biến đổi khí hậu; Năng suất nông nghiệp và sự đổi mới; Sâu bệnh xuyên biên giới; Dinh dưỡng và sức khoẻ; Tổn thất thực phẩm và chất thải.
GS.TS Lê Huy Hàm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam nhập khoảng 7-8 triệu tấn ngô, khoảng 5-7 triệu tấn đậu tương và sản phẩm đậu tương; trong khi đó năm 2017, Trung Quốc nhập 95 triệu tấn đậu tương và hàng chục triệu tấn ngô.
“Công nghệ gen đã giúp Châu Mỹ sản xuất ra lượng lương thực lớn với giá cả hợp lý như vậy. Nếu không có công nghệ gen, châu Á và Việt Nam cũng không được hưởng giá lương thực, thực phẩm như lúc này”- GS.TS Lê Huy Hàm nói.
Các diễn giả tham luận tại hội thảo
Báo cáo tại hội thảo với chủ đề "Ứng dụng CNSH trong chọn tạo giống cây trồng thế hệ mới: Ưu điểm và ứng dụng", TS. Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu rõ, CNSH, thông qua tác động to lớn tới chọn tạo giống cây trồng, có thể là tác nhân dẫn tới một cuộc cách mạng xanh mới. Cho tới nay, đã có 26 quốc gia trồng 191,7 triệu ha cây trồng công nghệ sinh học (tăng gần 113 lần so với năm 1996).
Như vậy, CNSH có tiềm năng và triển vọng vô cùng lớn đối với sự phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, cần có các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng CNSH đối với con người và môi trường.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất nhiều quan điểm về áp dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp tại nước ta. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng áp dụng CNSH với môi trường, con người. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất cây trồng biến đổi gien an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn.