Trong cơ thể, Kali là một trong những chất điện giải chính cùng với natri tham gia điều hòa cân bằng nước và điện giải giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan. Kali đảm bảo hiệu điện thế màng, tính chịu kích thích của thần kinh - cơ giúp cho hoạt động của cơ bắp trong đó có cơ tim. Cùng với Kali, Magie cũng tham gia vào hoạt động của cơ bắp, điều hòa hệ thống thần kinh, đảm bảo cho cơ tim co bóp bình thường. Magie tham gia vào hơn 600 phản ứng sinh hóa trong cơ thể, tham gia quá trình tạo năng lượng, tổng hợp protein từ các axit amin.
Ở người trưởng thành bình thường, nhu cầu Kali mỗi ngày khoảng 4700mg vàMagie là khoảng 350 - 400 mg/ngày. Nhu cầu này tăng hơn ở những người trên 45 tuổi, những trường hợp vận động thể lực nhiều như chơi thể thao, vận động viên thể thao tập luyện với cường độ cao, hoạt động ngoài trời liên tục làm tăng tiết mồ hôi, các trường hợp đang theo chế độ ăn kiêng hoặc sử dụng các thuốc giảm cân tác dụng nhuận tràng, thuốc tránh thai, lợi tiểu…
Kali và Magie có liên quan chặt chẽ với nhau, thiếu hụt Magie sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giảm Kali máu. Vì vậy, chúng ta nên chú ý bổ sung kết hợp cả Kali và Magie để đem lại hiệu quả tốt nhất. Tóm lại, bổ sung lượng Kali và Magie cho cơ thể mỗi ngày không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh mạn tính.
Vai trò của Kali và Magie đối với hệ tim mạch
Kali đóng vai trò quan trọng cho một trái tim khỏe, sự di chuyển của ion Kali giữa trong và ngoài tế bào giúp duy trì nhịp tim đều đặn. Rối loạn điện giải do mất cân bằng Kali và Magie tác động xấu đến hoạt động tim mạch gây nên các bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim. Khuyến cáo của WHO năm 2012 cho thấy tăng lượng bổ sung Kali sẽ hỗ trợ giảm huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh mạch vành. Thêm 391 mg Kali vào chế độ ăn hàng ngày sẽ làm giảm 40% nguy cơ đột quỵ, thường xuyên bổ sung Magie sẽ làm hỗ trợ giảm 50% nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Cân bằng dịch giữa trong và ngoài tế bào bị ảnh hưởng bởi nồng độ các chất điện giải đặc biệt là Kali và Natri. Sự di chuyển của ion Kali đi vào trong tế bào thay thế ion Natri đi ra kéo theo phân tử nước ra ngoài dẫn tới giảm phù, giảm huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy, ở những người bị tăng huyết áp được bổ sung Kali sẽ làm huyết áp tâm thu giảm 3,49 mmHg và huyết áp tâm trương giảm 1,96 mmHg. Như vậy, một chế độ ăn ít Natri, giàu Kali có ý nghĩa với cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Không chỉ giúp giảm nhẹ huyết áp, Kali và Magie còn giúp cơ tim được thư giãn giúp máu đưa oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi cơ tim. Cung cấp lượng Kali và Magie đầy đủ cho cơ thể còn giúp cho trái tim khỏe mạnh, và giữ trái tim đập đúng nhịp.
Vai trò của Kali và Magie ở người đái tháo đường
Kali và Magie không chỉ là nguồn dinh dưỡng cho trái tim mà còn đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng sinh hóa tế bào và chuyển hóa năng lượng. Tại tế bào, Kali và Magie tham gia tổng hợp protein từ axit amin, tham gia chuyển hóa carbohydrat giúp chuyển glucose thành glycogen dự trữ ở gan. Bổ sung Magie hỗ trợ cải thiện tình trạng đề kháng insulin ở những người mắc đái tháo đường hoặc hội chứng chuyển hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có chế độ ăn ít Magie có nguy cơ mắc đái tháo đường về sau.
Bổ sung Kali và Magienhư thế nào: cách đơn giản nhất là bổ sung qua thức ăn, bằng các loại trái cây, rau củ quả, các loại hạt… Khoai tây, các loại trái cây, rau xanh, các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng cung cấp nhiều Kali. Các thực phẩm chứa hàm lượng Magie cao bao gồm: các loại hạt, rau xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, với Kali lượng ăn vào gần như được hấp thu hoàn toàn nhưng lượng Magie đưa vào qua thức ăn chỉ hiệu quả bằng 1/25 lượng kali đưa vào. Chế biến thức ăn có thể làm mất 70% lượng Magie. Vì vậy cần tăng lượng bổ sung đồng thời cả Kali và Magie qua đường uống trong các trường hợp cơ thể gia tăng nhu cầu sử dụng Kali và Magie hoặc trong một số trường hợp bệnh lý như: tăng huyết áp, suy tim, sau nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, các trường hợp sử dụng thuốc lợi tiểu mất kali kéo dài, sử dụng glucoside trợ tim…, một số bệnh lý đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, bệnh lý cơ xương khớp, đái tháo đường…
Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm viên uống Kali, Magiesử dụng để bổ sung đồng thời Kali và Magie dưới dạng muối. Trong đó, dạng muối hữu cơ (như aspatarte, glutamate,…) sẽ dễ hấp thu và có mùi vị dễ chịu hơn so với các dạng muối vô cơ (clorid, carbonate,…). Tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể cũng như trong từng trường hợp cụ thể.
TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Phượng
Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Hữu Nghị Bệnh viện Hữu Nghị