Vài thay đổi đơn giản giúp giảm nguy cơ đái tháo đường

04-03-2017 10:11 | Đời sống
google news

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ước tính có 57 triệu người ở Hoa Kỳ đang nằm trong nhóm tiền đái tháo đường.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ước tính có 57 triệu người ở Hoa Kỳ đang nằm trong nhóm tiền đái tháo đường. Ở Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh chóng và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường. Sau 10 năm (tính đến 2016) tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính ở Việt Nam có khoảng 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường.

Việc chẩn đoán sớm tiền đái tháo đường là một chẩn đoán tầm soát rất có giá trị, do có thể điều chỉnh tình trạng rối loạn chuyển hóa này bằng thay đổi tích cực lối sống và một loạt các biện pháp hiệu quả khác. Nhiều bệnh nhân tiền đái tháo đường cho thấy hoàn toàn thay đổi cuộc sống của họ một cách tốt và bền vững với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn, giảm cân và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ liên quan bệnh đái tháo đường.

Các khuyến cáo cho thấy có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh đái tháo đường týp 2 với những thay đổi lối sống. Đối với hầu hết các biện pháp phòng chống, chủ yếu dựa vào giảm cân. Lượng cân giảm là cần thiết để ngăn chặn hoặc trì hoãn bệnh đái tháo đường tùy thuộc cụ thể vào từng người. Tính trung bình, mất khoảng 7% trọng lượng cơ thể có thể giúp làm đảo ngược bệnh đái tháo đường.

Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường là một thuật ngữ được sử dụng cho các cá nhân có rối loạn glucose máu lúc đói (IFG) hoặc rối loạn dung nạp glucose (IGT). IGF và IGT có liên quan với béo phì, đặc biệt là béo bụng. Cơ thể sử dụng glucose như là nguồn chính để cung cấp năng lượng. Insulin là hormon được sản xuất bởi tuyến tụy, chịu trách nhiệm lấy đường từ máu đưa vào tế bào để sử dụng nhằm cung cấp năng lượng. Trong những người có tiền đái tháo đường, cơ chế sử dụng đường này không hoạt động tốt; đường trong máu vẫn tăng lên, nhưng không đủ cao để chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.Tăng cường vận động có thể ngăn ngừa đái tháo đường. Ảnh: TM

Tăng cường vận động có thể ngăn ngừa đái tháo đường. Ảnh: TM

Rối loạn glucose máu lúc đói (IFG) là gì?

Đường máu lúc đói được định nghĩa như một nồng độ glucose máu, được xét nghiệm từ máu lấy trong trạng thái đói (bạn đã không ăn trong vòng 8 giờ hoặc nhiều hơn).

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2015 (ADA), sử dụng kết quả glucose máu lúc đói (G o): bình thường: G o < 100mg/dl (G o <  5,6mmol/L); tiền đái tháo đường: 100mg/dl < G o < 126mg / dl (5,6 mmol/L < G o <  6,9mmol/L); bệnh đái tháo đường: G o >126 mg/dl (G o > 7mmol/L).

Rối loạn dung nạp glucose (IGT) là gì?

Rối loạn dung nạp glucose (IGT) là một thước đo để đánh giá khả năng đáp ứng cơ thể với một tải lượng glucose mới dung nạp vào cơ thể. Ví dụ, mỗi khi bạn ăn carbohydrate, thức ăn được chia nhỏ và chuyển đổi thành đường. Insulin được tiết ra từ tuyến tụy để lấy đường từ máu đưa vào trong tế bào sử dụng làm năng lượng. Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn còn cao cho đến 1-2 giờ sau bữa ăn, cho thấy cơ thể của bạn không tải kịp với sự biến động glucose vừa được dung nạp. Điều này có thể được xác định bởi một thử nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT). OGTT là một thử nghiệm được thực hiện bằng cách kiểm tra đường máu trước và sau khi cho một tải lượng glucose dung nạp đường uống (75g carbohydrate uống).

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2015 (ADA), sử dụng kết quả đường máu 2 giờ sau khi dung nạp 75g Glucose đường uống (G 2): bình thường: G 2 <140mg/dL (G 2 < 7,8mmol/L); tiền đái tháo đường: 140mg/dL < G 2 < 199mg/dL (7,8mmol/L < G 2 < 11mmol/L); bệnh đái tháo đường: G 2 > 200mg/dL (G 2 >  11,1mmol/L).

Hemoglobin đường hóa - HbA1c?

HbA1c là chỉ số thể hiện tỷ lệ gắn kết của đường với Hemoglobin (Hb) - một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu, có vai trò vận chuyển ôxy trong máu. Nồng độ HbA1c tỷ lệ thuận với nồng độ glucose máu nhưng không bị ảnh hưởng nhất thời của biến động đường máu như vận động, nhịn ăn và sau ăn. Vì đời sống hồng cầu trung bình là 120 ngày nên nồng độ HbA1c đóng vai trò như là bộ nhớ về nồng độ đường suốt 3 tháng trước đó. Đường máu lúc đói và thử nghiệm dung nạp glucose cung cấp giá trị glucose máu tại một thời điểm nhất định, còn HbA1c phản ánh mức đường trung bình trong vòng 3 tháng trước khi lấy máu làm xét nghiệm.

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2015, sử dụng kết quả HbA1c: bình thường: HbA1c <5,7%; tiền đái tháo đường HbA1c: 5,7 - 6,4%; đái tháo đường: HbA1c > 6,5%.

Làm thế nào để phòng ngừa hoặc trì hoãn tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường týp 2?

Thực hiện một vài thay đổi lối sống có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường týp 2. Những thay đổi này cũng có thể làm giảm cơ hội phát triển bệnh tim và một số bệnh ung thư.

1. Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Cân nặng quá mức là nguyên nhân quan trọng nhất của bệnh đái tháo đường týp 2. Thừa cân làm tăng gấp 7 lần nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường týp 2. Béo phì làm tăng gấp 20-40 lần khả năng phát triển bệnh đái tháo đường so với người có một trọng lượng khỏe mạnh. Giảm cân cần đặt ra, nếu cân nặng của bạn rơi vào thừa cân hoặc béo phì, mất 7-10% trọng lượng hiện tại của bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường týp 2.

2. Tăng cường vận động, hạn chế ngồi trước màn hình tivi: Thiếu vận động thúc đẩy bệnh đái tháo đường týp 2. Làm việc cơ bắp thường xuyên và chăm chỉ giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin và hấp thụ glucose. Gần đây, nghiên cứu cho thấy có thể ngăn ngừa đái tháo đường với đi bộ nhanh hơn 5 giờ mỗi tuần.

3. Điều chỉnh chế độ ăn uống: Bốn thay đổi chế độ ăn uống có thể có một tác động lớn đến giảm các nguy cơ của tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường týp 2.

Chọn ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt hơn là chọn carbohydrate tinh chế: Có bằng chứng thuyết phục dùng thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt bảo vệ chống lại bệnh đái tháo đường, trong khi chế độ ăn giàu carbohydrate tinh chế dẫn đến nguy cơ gia tăng bệnh đái tháo đường. Trong Nghiên cứu the Nurses’ Health Studies I and II, cho thấy những người phụ nữ dùng trung bình 2-3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có 30% ít khả năng phát triển bệnh đái tháo đường týp 2 so với những người hiếm khi ăn ngũ cốc nguyên hạt. Cám và chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt làm cản trở các enzym tiêu hóa phá vỡ tinh bột thành glucose, điều này dẫn đến đường máu tăng chậm hơn và giảm tiết insulin. Ngược lại, bánh mì trắng, gạo trắng, khoai tây nghiền, bánh rán, bánh mì tròn và nhiều loại ngũ cốc tinh chế làm tăng đường máu nhanh hơn.

Bỏ qua các đồ uống có đường, thay thế bằng nước lọc và trà: Giống như ngũ cốc tinh chế, đồ uống có đường có một tải lượng đường máu cao và uống nhiều thức uống có đường có liên quan với tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường. Trong nghiên cứu Nurses’ Health Study II, những phụ nữ uống một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ cao với 83% của bệnh đái tháo đường týp 2, so với những người uống ít hơn một thức uống có đường mỗi tháng.

Chọn chất béo tốt thay vì chất béo xấu: Các chất béo trong chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường. Chất béo tốt, chẳng hạn như các chất béo không bão hòa đã tìm thấy trong dầu thực vật lỏng, các loại hạt có thể giúp tránh bệnh đái tháo đường týp 2. Những chất béo xấu được tìm thấy trong bơ thực vật, thực phẩm chiên nướng trong hầu hết các loại thức ăn nhanh làm tăng sự phát triển của bệnh đái tháo đường.

Hạn chế thịt đỏ và tránh thịt chế biến; chọn các loại hạt, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá để thay thế: Các bằng chứng ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu) và chế biến thịt đỏ (thịt xông khói, xúc xích) làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ngay cả trong số những người tiêu thụ với số lượng nhỏ. Nghiên cứu cho thấy chỉ ăn một ngày 3 ounce khẩu phần thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường týp 2 khoảng 20%. Thay thế thịt đỏ hoặc thịt đỏ được chế biến với một nguồn protein lành mạnh khác, chẳng hạn như các loại hạt, sữa ít chất béo, thịt gia cầm, cá  làm giảm nguy cơ bị bệnh đái tháo đường lên đến 35%.

4. Bỏ hút thuốc lá và hạn chế bia rượu: Những người hút thuốc lá và nghiện thuốc lá có nguy cơ cao hơn khoảng 50% nhiều khả năng phát triển bệnh đái tháo đường hơn so với người không hút thuốc. Uống bia rượu nhiều hơn quy định có liên quan mạnh với phát triển bệnh đái tháo đường.


BS. Hải Châu
Ý kiến của bạn