Vai phụ xuất sắc của tác phẩm văn học

24-08-2013 11:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tranh minh họa tác phẩm văn học đóng vai trò làm sáng lên tinh thần, nội dung, đồng thời giống như một quãng nghỉ cho độc giả giữa mê trận chữ nghĩa. Tranh minh họa đẹp, cân xứng, hài hòa sẽ khiến tác phẩm giá trị hơn, sâu sắc và gợi hình hơn.

Tranh minh họa tác phẩm văn học đóng vai trò làm sáng lên tinh thần, nội dung, đồng thời giống như một quãng nghỉ cho độc giả giữa mê trận chữ nghĩa. Tranh minh họa đẹp, cân xứng, hài hòa sẽ khiến tác phẩm giá trị hơn, sâu sắc và gợi hình hơn.

Từ một công việc vô danh

Một công việc âm thầm, tưởng chừng như vô danh lại đóng góp một phần rất lớn vào tinh thần, bộ mặt của những trang sách, không phải ai cũng tạo được dấu ấn khi vẽ minh họa sách văn học. Ngoài năng khiếu về hội họa, khả năng cảm thụ, nắm bắt nội dung tác phẩm là điểm mấu chốt để vẽ những hình minh họa ấn tượng. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng đều được đánh giá cao về mỹ cảm và không quá ồn ào trong công việc sáng tạo của mình.

Nổi bật nhất trong công việc vẽ tranh minh họa cho sách văn học hiện tại có thể kể đến hai cái tên: Thành Chương và Vũ Hoàng Tường. Họa sĩ Thành Chương vốn đã được biết đến từ lâu, cũng là người vẽ minh họa truyện ngắn trên nhiều tờ báo mới, mới đây đã cất công vẽ 12 bức tranh minh họa cho tập truyện ngắn mới của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Tâm đắc với tập Đàn bà đẹp, họa sĩ chỉ mất 2 đêm để hoàn thành khối lượng công việc trên. Đáp lại thịnh tình của ông, đơn vị phát hành tập sách quyết định sẽ in 12 bức tranh nói trên bằng phụ bản màu. Tác giả của cuốn sách, nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng dành những lời ngợi khen cho tranh minh họa của họa sĩ Thành Chương, rằng khi đứng tách rời với tác phẩm, tranh của ông vẫn có một đời sống phong phú và giá trị hội họa đáng ghi nhận.

Vai phụ xuất sắc của tác phẩm văn học 1Tranh minh họa truyện ngắn Đỗ Bích Thúy của Thành Chương.

Về họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, gần 30 năm qua, ông chính là người làm đẹp thêm cho những tác phẩm của cây bút bestseller hàng đầu Việt Nam: Nguyễn Nhật Ánh. Sự gắn bó này sâu sắc đến nỗi, cứ hễ nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, người ta ngay lập tức liên tưởng tới các bức tranh minh họa mềm mại, đáng yêu, bay bổng của Đỗ Hoàng Tường và ngược lại. Tranh của ông rất phù hợp với văn phong của Nguyễn Nhật Ánh và thường được nhà văn dùng in trên các món quà lưu niệm khác sau khi ra mắt sách.

Phẩm chất của người vẽ minh họa văn học

Vẽ tranh minh họa sách văn học là một công việc mà bất cứ người nào có năng khiếu hội họa đều có thể thử sức. Tuy nhiên, để trở thành họa sĩ vẽ tranh minh họa xuất sắc, có dấu ấn lại là một quá trình học hỏi, nỗ lực, rèn giũa và cảm thụ. Nhìn vào thành công của những họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng khác như Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Đoàn, Phạm Đăng Trí, Hà Trí Hiếu, Thọ Tường, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Phấn..., chúng ta có thể nhìn thấy ở họ không chỉ là khả năng hội họa nổi bật mà còn là một tư duy văn chương, tư duy đời sống phong phú, sắc bén. Mặt khác, họa sĩ phải có niềm yêu thích thực sự với tác phẩm thì mới có thể chuyển tải sâu sắc ý tình của nó vào tranh, không thể làm lấy được, làm cốt thu về sản phẩm. Đó là sự giao hòa đặc biệt giữa người viết và người vẽ.

Nhìn vào trường hợp của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, ông không những là cây bút vẽ gắn bó trường kỳ với tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh mà còn là bạn đọc đầu tiên của những tác phẩm mới ra lò của cây bút xuất sắc cho thiếu nhi. Say sưa hóa thân vào từng tác phẩm, có những bước điều chỉnh phù hợp để tranh và nội dung hài hòa, cân xứng hơn, Nguyễn Nhật Ánh và Đỗ Hoàng Tường đã trở thành bộ đôi đồng hành không thể thiếu trong các tác phẩm được lứa tuổi thiếu nhi, tuổi mới lớn ưa chuộng, say mê.

Tiếp nối con đường của những tiền bối đi trước, một thế hệ họa sĩ trẻ chuyên vẽ tranh minh họa, vẽ bìa tác phẩm văn học đã dần hình thành. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là số lượng họa sĩ tinh tài thực sự không nhiều. Phần lớn họa sĩ trẻ chuyên vẽ tranh minh họa sách văn học, tác phẩm văn học hiện nay đều có tâm lý chạy theo sản phẩm, tranh minh họa chưa nêu bật được tinh thần tác phẩm cũng như chưa tạo được một thị phần riêng trong giới. Cũng không hiếm trường hợp độc giả tìm mỏi mắt cũng không ra một điểm tương đồng nào giữa tranh minh họa và tác phẩm, thành ra, giá trị của tranh vẽ bị mờ nhòa và mất chỗ đứng.

Tuy nhiên, vượt lên sự hỗn độn của một trào lưu, những giá trị chắt lọc của tranh minh họa sách văn học đang ngày càng được công nhận. Điều mà độc giả, công chúng hi vọng tiếp tới là những phong cách vẽ tranh minh họa văn học thực sự nổi trội để tranh minh họa là một vai phụ xuất sắc không thể thiếu trong diễn trình của mỗi tác phẩm.

Ngữ Nam


Ý kiến của bạn