Vài bí quyết cho sinh viên làm thêm dịp hè

18-06-2016 10:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Mỗi khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, sinh viên ở các trường đại học lại đổ xô đi tìm những công việc thời vụ để làm thêm để kiếm thêm thu nhập và củng cố thêm các kỹ năng mềm.

Có vô số việc làm cho các sinh viên lựa chọn. Mỗi việc làm đều có những lợi ích riêng nhưng cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, mỗi sinh viên trước khi lựa chọn cho mình một công việc cần tìm hiểu kỹ.

Đa dạng việc làm

Với thời gian nghỉ của đa số các trường đại học ở Hà Nội  là 2 đến 3 tháng, sinh viên về quê thì vẫn phải chi trả  đủ số tiền thuê phòng trọ nên nhiều sinh viên đã ở lại để làm thêm kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, đồng thời để trau dồi cho bản thân nhiều kỹ năng mềm.

Có nhiều công việc thời vụ để cho các sinh viên lựa chọn như trông trẻ, gia sư, phục vụ nhà hàng, bán hàng, làm cho các trung tâm giải trí, nhân viên cứu hộ ở bể bơi, nhân viên quảng cáo, phát tờ rơi hay đánh máy tại nhà.

sinh-vien-can-nhac-lam-them-thoi-vu-dip-he

Dễ dàng để tìm kiếm các công việc làm thêm dịp hè

Lợi ích của các công việc làm thêm thì không cần bàn cãi, ngoài thu nhập các sinh viên còn có thể trau dồi nhiều kỹ năng khác nhau tuỳ vào từng ngành nghề.

Tìm đúng nơi “thời vụ”

Đa dạng là thế, nhưng sinh viên cần cân nhắc kỹ để lựa chọn cho mình một công việc phù hợp  với thời gian của mình, và tránh bị lừa, mất công sức mà không được nhận lương.

Hoàng Thị Mai, sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp Hà Nội đã từng mất không hai tháng tiền lương khi bán quần áo cho một shop quần áo khu vực Nhổn. Vì khi xin việc hợp đồng ghi thời gian là 3 tháng. Nhưng vì chỉ làm được 2 tháng nên đã không được chủ quán trả tiền lương.

Cũng giống như thế,  Nguyễn Thị Thanh Tâm- sinh viên Đại học Giao thông đã mất một tháng làm phục vụ bàn cho một quán ăn ở Cầu Giấy vì chỉ làm được một tháng. “Khi mình đi xin việc thì không có hợp đồng gì cả, chị chủ quán bảo cứ đến làm được bao lâu thì làm. Mình phải học thêm dịp hè chỉ được nghỉ một tháng nên mình làm một tháng. Sau khi mình nghỉ thì chị chủ quán không trả tiền lương với lý do thời gian làm ngắn. Vì lúc đầu không ký hợp đồng nên mình phải chấp nhận” Tâm chia sẻ.

Lựa chọn phù hợp

Sinh viên còn phải cân nhắc kỹ việc làm phù hợp với năng lực và sức khỏe của bản thân.

Phạm Ngọc Mai, sinh viên năm hai đại học Hà Nội chia sẻ: “Nghỉ hè năm ngoái mình quyết định ở lại Hà Nội để làm thêm. Nghĩ rằng phát tờ rơi là công việc dễ tìm và làm thời vụ tốt nhất nên mình lựa chọn.  Được phân công vào ca trưa, mình phải đứng nắng suốt các buổi trưa để phát tờ rơi quảng cáo. Mà thời gian hè nhiệt độ lúc nào cũng gần 40 độ, sau 1 tháng làm thì mình nghỉ vì ốm quá nhiều, sau dịp đó mình sút mất 3 kg”

Đào Mạnh Tuấn, sinh viên Đại học Điện lực thì lại chọn cho mình công việc trông coi quán net về đêm. “Ban đầu mình nghĩ công việc này cũng nhẹ nhàng chỉ việc ngồi chơi với thu tiền mà lại được ngồi chơi game miễn phí nên đã làm. Sau một tháng, người mình hốc hác đi vì phải thức đêm nên phải nghỉ. Mấy tháng sau mình mới lấy lại được sức khỏe”

Hà Thị Vân,sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, trọ ở đường Đê La THành nhưng lại làm thêm ở khu vực Thanh Xuân, không có phương tiện đi lại nên Vân đi xe bus để đi làm. Vân làm cho một nhà hàng vào ca tối. Vì thời gian nghỉ phụ thuộc vào khi nào hết khách nên nhiều hôm 11 giờ mới được về. “Không có xe bus nên mình phải đi xe ôm về nhà, đến cuối cùng thành ra tiền lương làm được cũng chi vào tiền đi lại quá một nửa”

Tránh đa cấp

Sinh viên nôn nóng tìm việc làm thêm trên các trang mạng rất dễ dàng bị dụ dỗ bởi những thông tin mời chào hấp dẫn của các cơ sở đa cấp.

Lê Thị H, sinh viên trường Cao đẳng du lịch chia sẻ: “nghỉ hè năm ngoái mình tìm việc trên mạng thấy có một chỗ tuyển nhân viên bán tạp hóa, họ hẹn đến phỏng vấn ở Hoàng Quốc Việt rồi giới thiệu để mình mua một sản phẩm mỹ phẩm, sau đó được tham gia vào một buổi thuyết trình. Biết là mình đã bị lừa, mình chịu mất 2 triệu tiền mua sản phẩm trước đó chứ không theo họ đi lừa những người khác. Mình coi đó là một bài học kinh nghiệm cho mình”.

Bỏ thời gian, công sức để đi làm thêm vào dịp hè, ai cũng hi vọng sẽ nhận được đúng những gì công sức bỏ ra, đó có thể là số tiền phụ giúp gia đình hay những kĩ năng cho bản thân. Vì thế, mỗi sinh viên trước khi quyết định lựa chọn một công việc cần cân nhắc kỹ, tìm hiểu rõ ràng để tìm cho mình một công việc phù hợp nhất.


Lương Thị Yến
Ý kiến của bạn