Những lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia

21-02-2023 08:41 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Một số “chiến thuật huyền thoại" thường được dân nhậu rỉ tai nhau khẳng định sẽ giúp bạn tỉnh táo, giảm nồng độ cồn trong máu để bạn có thể lái xe về nhà an toàn. Nhưng hãy tìm hiểu xem vì sao chúng không hiệu quả như bạn nghĩ.

1. Nồng độ cồn trong máu là gì?

Mức BAC (nồng độ cồn trong máu) của bạn là lượng cồn có trong một thể tích máu bằng 100 mililít (ml) hoặc 1 decilít. BAC là 0,10% có nghĩa là nguồn cung cấp máu của một cá nhân có chứa một phần rượu cho mỗi 1000 phần máu.

Tiêu thụ rượu, bia nồng độ là nguyên nhân hàng đầu khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống mà còn làm tăng nguy cơ gây tai nạn. Cồn có thể tồn tại trong máu và hơi thở lên đến 24 giờ và chỉ 15 phút sau khi uống có thể đo được ngay nồng độ cồn trong hơi thở.

'Vạch trần' những lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu - Ảnh 2.

Nồng độ cồn là chỉ số đo hàm lượng cồn có trong thức uống có cồn (bia, rượu).

Tỷ lệ cồn trong hơi thở với tỷ lệ cồn trong máu là 2.100: 1. Điều này có nghĩa là cứ 2.100ml khí thở sẽ chứa cùng một lượng cồn tương đương với 1ml máu. Thay vì phải lấy máu của tài xế để kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra hơi thở của tài xế ngay tại chỗ để phân tích nồng độ cồn. Máy phân tích hơi thở hoặc thiết bị khóa liên động đánh lửa sẽ đo chính xác BAC của bạn, xác định xem bạn có ở trong giới hạn pháp lý hay không.

Nhiều yếu tố xác định BAC của bạn và ảnh hưởng đến tác dụng của rượu đối với cơ thể bạn: loại rượu bạn đã uống, lượng tiêu thụ, trọng lượng cơ thể, lượng bạn đã ăn, tỷ lệ mỡ cơ thể, tiêu hóa cá nhân, giới tính, tuổi tác và nhiều yếu tố khác.

2. Một số mẹo được coi là cách giảm nồng độ cồn của bạn và thực tế "không như là mơ"

Bạn có thể đã nghe thấy một số mẹo mà dân nhậu thường truyền tai nhau để làm giảm nồng độ cồn trong máu sau khi uống rượu. Những phân tích dưới đây sẽ vạch trần những lầm tưởng này:

Uống cà phê

Nhiều người tin rằng uống cà phê đậm đặc giúp giảm nồng độ cồn vì chất caffeine sẽ làm mất tác dụng của rượu.

Tuy nhiên, caffeine có thể xua tan cơn buồn ngủ, có thể khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, nhưng nó không làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể bạn.

Nó sẽ không thay đổi cách rượu làm giảm khả năng phối hợp của bạn, làm chậm thời gian phản ứng của bạn và ảnh hưởng tiêu cực đến việc ra quyết định của bạn. Uống cà phê sau khi uống rượu thực sự có thể đánh lừa người lái xe nghĩ rằng họ lái xe an toàn trong khi trên thực tế, họ vẫn còn quá say.

Đánh lừa máy thở

Nếu bạn đã ở một quán bar và lên ghế lái sau khi uống rượu, bạn có thể được khuyên nên đặt một miếng kẹo cao su hoặc một viên kẹo bạc hà để giúp che đi mùi rượu trong hơi thở của mình. Và mặc dù bạn có thể không ngửi thấy mùi rượu, nhưng bạn sẽ không lừa được máy phân tích hơi thở.

Các thiết bị này sử dụng công nghệ pin nhiên liệu để đo nồng độ cồn trong hơi thở, sự hiện diện của các phân tử cồn trong mẫu hơi thở của bạn như kẹo cao su, bạc hà hoặc thức ăn không thể ngăn thiết bị phát hiện sự hiện diện của cồn.

Tắm

Mặc dù tắm vòi sen có thể giúp bạn tỉnh táo hơn, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc này giúp loại bỏ rượu khỏi cơ thể để giúp bạn tỉnh táo.

'Vạch trần' những lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu - Ảnh 4.

Sau khi uống rượu bia không nên tắm ngay. (Ảnh minh họa)

Ăn nhiều thức ăn

Có một phần sự thật cho lầm tưởng này. Thức ăn làm chậm tốc độ hấp thụ rượu. Điều này có nghĩa là thức ăn có trong cơ thể bạn trước khi uống rượu sẽ hấp thụ một phần nhỏ rượu trước khi nó đi vào máu của bạn.

Tuy nhiên, thức ăn sẽ không hấp thụ hoàn toàn những gì bạn uống và một khi rượu đi vào máu của bạn, nó sẽ phát huy tác dụng. Một dạ dày đầy carbs và chất béo làm chậm quá trình hấp thụ rượu nhưng điều này không hề làm giảm nồng độ cồn trong máu. Một số người cũng tin rằng ăn sau khi uống sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhưng vì rượu luôn đi vào máu nên điều này không đúng.

Pha rượu với nước tăng lực

Một số người cho rằng lượng caffeine cao trong nước tăng lực sẽ ngăn rượu phát huy tác dụng. Mặc dù những loại nước tăng lực này là chất kích thích và sẽ khiến bạn bớt buồn ngủ, nhưng chúng không ngăn ngừa hoặc giảm mức độ say khi pha với rượu. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy uống quá nhiều loại cocktail này có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm hơn, tim đập nhanh và mất ngủ.

'Vạch trần' những lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu - Ảnh 5.

Tuyệt đối không nên pha trộn các loại rượu với nhau hoặc với nước tăng lực, nước ngọt khác...

Lời khuyên là không nên pha trộn đồ uống của bạn. Kết hợp các loại rượu mạnh, rượu vang hoặc bia khác nhau có thể tăng tốc độ BAC của bạn, vì vậy hãy cố gắng chọn cùng một loại.

ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng đưa ra lời khuyên: Khi uống rượu, tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, lúc này đã say xỉn rồi mà vẫn tỉnh sẽ gây hại nhiều hơn.

3. Làm thế nào để hạ nồng độ cồn của bạn?

Bạn không thể làm gì để giảm mức BAC trong cơ thể mình vì bạn không thể đẩy nhanh tốc độ rượu rời khỏi dòng máu. Cách duy nhất để giảm BAC là thời gian đợi gan phân hủy rượu.

Trung bình, BAC của bạn sẽ giảm với tốc độ 0,015 mỗi giờ trong điều kiện bạn không uống thêm bất kỳ loại rượu nào. Điều này có nghĩa là nếu bạn có mức BAC là 0,10, bạn sẽ mất khoảng 6,5 giờ để đạt được lượng cồn không thể đo lường được trong máu.

Khi bạn đã uống rượu say, một giấc ngủ ngon là cách tốt nhất để tỉnh táo. Bản thân giấc ngủ không có gì khác biệt, lợi ích duy nhất là thời gian bạn ngủ sẽ tạo cơ hội cho gan chuyển hóa chất cồn.

'Vạch trần' những lầm tưởng về mẹo giảm nồng độ cồn sau khi uống rượu - Ảnh 6.

Không nên uống rượu quá nhiều, quá sức.

Theo ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, để đảm bảo quy trình thải độc, nên uống thật chậm, tầm 1h cơ thể đào thải 1 đơn vị cồn (gần 1 lon bia, 1 ly rượu nhỏ, 100ml rượu vang). Cách tốt nhất để giảm nồng độ cồn trong máu của bạn là uống ít rượu hơn. Nhấp từng ngụm chậm và trò chuyện với bạn bè để làm bạn mất tập trung có thể giúp giảm lượng rượu uống vào và hạ nồng độ cồn trong máu.

Uống một ly nước giữa mỗi lần uống rượu, điều này giúp hạn chế lượng rượu bạn tiêu thụ bằng cách chia đều các loại đồ uống. Ngay cả nồng độ cồn nhỏ cũng gây mất nước và suy yếu cơ thể, nhưng nước có thể làm chậm quá trình này.

Uống nước sẽ giúp bạn hydrat hóa (bổ sung nước cho cơ thể giúp tế bào trong cơ thể hoạt động ổn định) sau một đêm uống rượu. Mặc dù nó sẽ không đào thải cồn ra khỏi cơ thể bạn nhưng nước có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt cảm giác nôn nao vào sáng hôm sau. Mọi người nên áp dụng phương pháp được bác sĩ khuyến cáo như uống nước lọc, nước gừng, nước chanh, nước cam, mật ong.

Theo Bộ Y tế, bạn nên hạn chế rượu, bia và các thức uống có cồn nói chung. Tốt nhất, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới, đồng thời không uống quá 5 ngày/tuần.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông, bạn tuyệt đối không nên tiêu thụ rượu bia để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu bạn đã uống rượu, thì việc nhờ một người bạn tỉnh táo chở đi nhờ xe, sử dụng dịch vụ đi chung xe hoặc gọi taxi luôn là lựa chọn an toàn và thông minh nhất.

Tác hại của bia rượu và cách giải rượu cần thuộc "nằm lòng" để Tết vui mà vẫn khỏeTác hại của bia rượu và cách giải rượu cần thuộc 'nằm lòng' để Tết vui mà vẫn khỏe

SKĐS - Ngày Tết, chuyện rượu bia là điều khó tránh khỏi, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý những bí quyết để rượu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ bệnh tật.

Xem thêm video đang được quan tâm

Xử phạt tài xế say xỉn, chây ì 3 tiếng không chịu thổi nồng độ cồn, đòi xem kế hoạch kiểm tra.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn