Vạch trần luận điệu xuyên tạc công tác bầu cử 

20-04-2021 09:13 | Pháp luật
google news

SKĐS - Tiếp sau các hoạt động chống phá Đại hội XIII của Đảng, trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại gia tăng đăng phát những bài viết, luận điệu sai trái, bóp méo, xuyên tạc sự thật về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Mưu toan biến nghị trường thành diễn đàn để chống phá

Cùng với việc đưa ra những luận điệu sai trái về tính dân chủ và vai trò của Đảng trong bầu cử thì vấn đề về người tự ứng cử và ứng cử viên ngoài Đảng tiếp tục là chiêu bài mà các thế lực thù địch và những đối tượng phản động sử dụng, nhằm đưa thông tin sai lệch với mục tiêu lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử. Thông qua mạng xã hội và một số diễn đàn tiếng Việt có địa chỉ ở nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động đăng phát nhiều tin, bài xuyên tạc về công tác nhân sự bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Thậm chí trắng trợn nói rằng, việc sắp xếp nhân sự trong Đảng cũng như trong Quốc hội là sự “thương lượng”, “thỏa hiệp” giữa các “phe cánh”. Cố tình xuyên tạc rằng cách làm nhân sự ở Việt Nam là không dân chủ, thiếu khách quan, minh bạch; việc sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung nhân sự không vì lợi ích tập thể mà chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”... Các đối tượng tiếp tục bịa đặt, dựng chuyện nói xấu, bôi nhọ nhằm hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao của Đảng được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH.

Các đối tượng còn rêu rao rằng: không phải cứ đảng viên tham gia ĐBQH, đại biểu HĐND mới đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; không phải chỉ có đảng viên mới đủ tư cách tham gia Quốc hội và HĐND các cấp... Để bảo vệ luận điệu này chúng đã nêu những trường hợp là đảng viên tham gia ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ vừa qua vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật; đòi hỏi cơ cấu ĐBQH là đảng viên với người ngoài đảng phải tương đương. Tiếp tục sử dụng chiêu trò “tự ứng cử” rồi lên mạng hô hào các hội nhóm dân chủ ký tên ảo, tung hô, tô vẽ cho các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp...

Tất cả những luận điệu, chiêu trò ấy không nhằm mưu đồ nào khác là cài cắm vào Quốc hội và HĐND các cấp những “mầm mống dân chủ” để từng bước biến nghị trường thành diễn đàn nhằm thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng làm ta suy yếu từ bên trong.

Các đối tượng thù địch lợi dụng công tác chuẩn bị cuộc bầu cử để kích động, chống phá.

Các đối tượng thù địch lợi dụng công tác chuẩn bị cuộc bầu cử để kích động, chống phá.

Thực tế không thể phủ nhận

Thực tiễn hơn 90 năm qua đã chứng minh cho thấy vai trò lãnh đạo mang tính quyết định của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong cuộc bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất, từ đó lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín,  nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các đối tượng lợi dụng việc chống phá như là công cụ để tiến thân, kiếm sống, đây là đối tượng đáng lưu ý. Chúng lợi dụng cách tự ứng cử để đánh bóng cá nhân đối với giới dân chủ để tạo sự nổi tiếng nhằm tiến thân. Loại khác là chống phá nhằm mục đích kinh tế, để lấy được sự tài trợ của các tổ chức phản động quốc tế, một số tổ chức phi chính phủ, một số tổ chức chống đối thì chúng tạo dựng nên chiến dịch chống phá để kiếm tiền. Thực tiễn, tất cả các Đảng trên thế giới đều coi trọng công tác bầu cử và giới thiệu người của đảng mình ra ứng cử. Do vậy, ở Việt Nam, việc Đảng Cộng sản lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan và đúng với Hiến pháp, pháp luật.

Là một trong số người tự ứng cử và đã trúng cử tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, PGS. Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, có thể thấy, những luận điệu chụp mũ, xuyên tạc về người tự ứng cử, những luận điệu sai trái về người ngoài Đảng ra ứng cử được một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài liên tục đăng tải hòng làm nhiễu loạn thông tin, gây dư luận tiêu cực, chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng điều mà các đối tượng này đang cố tình không hiểu rằng, trong nhiều khóa Quốc hội trở lại đây, các đại biểu tự ứng cử, các đại biểu là người ngoài Đảng ngày càng có năng lực với nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động lập pháp của Quốc hội. Thậm chí có những đại biểu tự ứng cử 3-4 nhiệm kỳ mà vẫn đạt số phiếu tín nhiệm cao. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất của tính minh bạch, dân chủ và không cản trở gì người tự ứng cử và người ngoài Đảng ứng cử.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi cán bộ đảng viên, người dân trong và ngoài nước đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cần tỉnh táo tiếp nhận những thông tin đúng, chính thống để giữ vững niềm tin và hành động đúng đắn tránh rơi vào luận điệu xuyên tạc, sai trái của những tổ chức, cá nhân phản động, góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước.     


H. Phong
Ý kiến của bạn