Như đã phản ánh, tại số 2 ngõ 11 Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) đang diễn ra hoạt động kinh doanh online thực phẩm bào vệ sức khỏe Great Height với nhiều dấu hiệu vi phạm để "hô biến" thực phẩm chức năng thành "thần dược". Tại đây, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, một chút kiến thức về ngành y cũng không biết nhưng tự xưng là bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn liệu trình tăng chiều cao, các vấn đề về còi xương cho các bậc phụ huynh có con đang gặp vấn đề về sức khỏe...
Quảng cáo tràn lan, thật giả lẫn lộn
Khi tìm kiếm trên trên các nền tảng Google, Youtube hay Facebook với cụm từ “Great Height” hay đơn giản là "tăng chiều cao" sẽ dễ dàng thấy có rất nhiều quảng cáo cho sản phẩm này xuất hiện. Sở dĩ vậy vì trên các website như www.Greaiheight.vn; www.Greatheight.online; tangchieucaogreatheight.com hay các fanpage trên mạng xã hội như “Great Height Trung tâm cải thiện chiều cao cho bé”, “Chăm con tuổi dậy thì”... sản phẩm tăng chiều cao Great Height được quảng cáo tràn lan với công dụng "thần kỳ" và là sản phẩm số 1 cho các tường hợp muốn tăng chiều cao hay gặp vấn đề về còi xương...
Do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin cùng tâm lý thương con, không ít bậc cha mẹ tin lời quảng cáo mà bỏ khá nhiều tiền ra mua TPBVSK mà bỏ lỡ quá trình điều trị cho con.
Dù phần công dụng sản phẩm Great Height được nêu rõ trong xác nhận quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp là: Hỗ trợ bổ sung canxi, vitamin D3 và vitamin K2 cho cở thể; Hỗ trợ xương răng chắc khỏe; Hỗ trợ phát triển chiều cao và hỗ trợ tình trạng còi xương ở trẻ, nhưng không khó để tìm ra những video quảng cáo thổi phồng công dụng như thần dược.
"Rất bất ngờ, những kết quả nhận đươc ngoài sự mong đợi; cháu sử dụng sản phẩm này giờ cao nhất lớp; mỗi tháng cháu tăng được 0,5cm" hay thậm chí uống sản phẩm này vào không những cao hơn mà còn ăn ngon, ngủ tốt hơn, thông minh hơn và cải thiện trí nhớ và kết quả học tập. Đây là những dòng chia sẻ tràn lan không khó bắt gặp trên các nền tảng xã hội.
Cùng với đó, sản phẩm này còn được xuất hiện với hàng loạt người nổi từ MC, diễn viên, ca sỹ đều sử dụng cho con và thấy kết quả bất ngờ. Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các nghệ sĩ, ca sĩ được phép làm đại diện thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các nghệ sĩ, ca sĩ này mà quảng cáo với tư cách như một người bệnh là vi phạm quy định quảng cáo.
Điều này có nghĩa là, nếu các nghệ sĩ này xuất hiện cùng sản phẩm với những lời giới thiệu rằng mình đã sử dụng sản phẩm này và cảm thấy tốt hơn, khỏe lên đều là hành vi vi phạm quy định về quảng cáo. Trong đó, có không ít khách hàng đã phản ánh tới Báo Sức khỏe & Đời sống nguyên nhân họ mua sản phẩm là do tin tưởng vào những lời quảng cáo của các nghệ sỹ, ca sỹ.
Chưa dừng lại ở đó, các trang quảng cáo sản phẩm không ngần ngại sử dụng hình ảnh của đội ngũ bác sĩ, thư cảm ơn của khách hàng để quảng cáo sản phẩm Great Height. Đây đều là những hành vi bị cấm trong quảng cáo TPBVSK được quy định tại Thông tư 08/3013/TT-BYT do Bộ Y tế Ban hành.
Việc quảng cáo tràn lan trên hầu hết các nền tảng mạng xã hội của sản phẩm Great Height khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận hết lớp này đến lớp khác mà khó lòng thoát ra được.
Giá trị thực của sản phẩm là bao nhiêu?
Hiện sản phẩm TPBVSK được niêm yết với mức giá 1.300.000 đồng/hộp gồm 60 viên. Tuy nhiên, nhân viên có thể đưa ra các liệu trình giảm giá hoặc đưa ra lý do hỗ trợ từ bảo hiểm y tế nên được chiết khấu từ 40 đến hơn 46% so với giá niêm yết.
Trong kịch bản được chuẩn bị sẵn cho nhân viên, dù với lý do gì, 1 hộp sản phẩm Great Height giá niêm yết 1.300.000 đồng sẽ được khuyến mãi còn 700.000 đồng. Đây vẫn là mức giá khá cao so với mặt bằng chung các loại TPBVSK trên thị trường.
Theo lời giải thích của Hằng, người chuyên phụ trách tuyển dụng nhân sự tại địa chỉ số 2 ngõ 11 Vương Thừa Vũ, các nhân viên "chốt đơn" sản phẩm Great Height tại đây ngoài mức lương cứng 4,5 triệu đồng cộng 0,5 triệu đồng phụ cấp còn được nhận thêm các chế độ tiền doanh số, tiền vào sàn và tiền hoàn.
Theo đó, các nhân viên sẽ nhận được thêm 1% doanh thu khi bán được sản phẩm. Khi doanh thu từ 90 triệu trở lên nhân viên sẽ nhận được 1,8 đến 2 triệu (vào sàn 1), cộng thêm đó là tiền hoàn sản phẩm. Hằng tính thử cho nhân viên mới, nếu mỗi ngày chốt 1 sản phẩm tương đương mức doanh thu 120 triệu đồng/tháng ứng viên có thể nhận được mức lương 11,5 triệu đồng, nghĩa là mức chi phí bỏ ra cho nhân viên bán hàng chiếm thêm khoảng 5% giá trị niêm yết sản phẩm.
Theo các chuyên gia maketing, các sản phẩm sử dụng tập khách hàng chủ yếu từ việc chạy quảng cáo trên các nên tảng thường có mức chi phí quảng cáo chiếm 20% giá trị hàng hóa. Quay trở lại trường hợp nhóm người bán sản phẩm Great Height, tính sơ bộ các chi phí chiết khấu, nhân viên kinh doanh, maketing đã chiếm tới hơn 70% giá trị sản phẩm. Đó là chưa kể tới các chi phí của các khác, lợi nhuận thu về từ việc kinh doanh.
Vậy câu hỏi đặt ra là giá trị thực của những sản phẩm tăng chiều cao Great Height đang được bán tại đây thực sự là bao nhiêu? Chất lượng của những sản phẩm này có thực sự như những lời quảng cáo hay đây chỉ là những chiêu trò "thổi phồng" giá trị sản phẩm hòng qua mắt người tiêu dùng? Đây là những câu hỏi mà cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng mới có thể giải đáp để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Báo sức khỏe đời sống sẽ tiếp tục thông tin sự việc
Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) khẳng định: "Đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Cục ATTP từng nhiều lần có công văn gửi giám đốc, trưởng đơn vị có cán bộ y tế quảng cáo TPBVSK để chấn chỉnh, quản lý cán bộ".
Cũng theo Cục ATTP, các sản phẩm TPBVSK chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều vi phạm quy định.