1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh do virus viêm gan B (HBV) tấn công và làm tổn thương gan. Viêm gan B có thể gây nhiễm trùng mãn tính, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan B là một "bệnh dịch thầm lặng" vì hầu hết người bệnh không có triệu chứng khi mới nhiễm bệnh, thậm chí khi đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Do đó, người bệnh có thể vô tình truyền virus cho người khác. Đối với những người bị nhiễm mãn tính nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, gan bị tổn thương âm thầm có thể phát triển thành bệnh gan nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.
Bệnh viêm gan B có thể phòng ngừa và điều trị được. Đã có vaccine an toàn và hiệu quả có khả năng bảo vệ từ 98% đến 100% đối với bệnh viêm gan B. Các liệu pháp điều trị bằng thuốc hiện cũng mang lại hiệu quả và giúp kiểm soát bệnh nhiễm trùng viêm gan B mãn tính.
2. Mục đích của tiêm phòng vaccine viêm gan B
Tiêm phòng viêm gan B nhằm mục đích ngăn ngừa nhiễm HBV và các biến chứng của nó, bao gồm viêm gan giai đoạn cuối, xơ gan, suy gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Trong trường hợp cấp tính, viêm gan tối cấp hiếm khi xảy ra, nhưng nó có liên quan đến tỷ lệ tử vong đáng kể, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát nhiễm HBV nhằm mục đích cung cấp miễn dịch viêm gan B cho trẻ sơ sinh toàn dân, với liều đầu tiên được tiêm khi sinh. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ bao phủ vaccine viêm gan B trên toàn cầu trong lịch tiêm chủng định kỳ ở trẻ em đã đạt 185 quốc gia (84%).
Vaccine tạo ra kháng thể đối với kháng nguyên bề mặt viêm gan B và hiệu giá từ 10 mIU / mL trở lên được coi là có khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm HBV.
Với sự ra đời của các chương trình tiêm chủng phổ cập cho trẻ sơ sinh ở các nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao, các chương trình tiêm chủng viêm gan B phổ cập đã có tác động sâu sắc đến việc giảm tỷ lệ nhiễm bệnh mãn tính, giảm tỷ lệ nhiễm ở trẻ em từ 10% xuống 1% và giảm một nửa tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào gan ở trẻ em từ 6–14 tuổi.
3. Chỉ định của vaccine viêm gan B
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên đưa vaccine viêm gan B vào chương trình tiêm chủng định kỳ cho tất cả trẻ em trên toàn thế giới. Vaccine viêm gan B cũng được chỉ định cho người lớn có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Các chiến lược nhắm mục tiêu chỉ sử dụng vaccine viêm gan B cho các nhóm dân số có nguy cơ cao không có tác động đáng kể đến tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B, nên việc tiêm chủng phổ cập được khuyến khích cho trẻ sơ sinh và cho tất cả thanh thiếu niên chưa được tiêm chủng trước đó. Tất cả phụ nữ mang thai cũng nên được tầm soát viêm gan B.
Khuyến cáo sử dụng 3 liều vaccine viêm gan B:
- Liều đầu tiên được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
- Liều thứ hai được tiêm sau liều đầu tiên từ 1 đến 2 tháng.
- Liều thứ ba được tiêm trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi.
Vaccine viêm gan B cũng được khuyến nghị cho những người từ 60 tuổi trở lên chưa được chủng ngừa trước đó và những người từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Có bạn tình bị viêm gan B
- Những người sống chung với người bị viêm gan B
- Người mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
- Quan hệ tình dục đồng giới
- Những người dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy khác
- Nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể
- Những người bị bệnh gan mãn tính, đang chạy thận nhân tạo, bị nhiễm HIV hoặc nhiễm viêm gan C.
4. An toàn và tác dụng phụ của vaccine viêm gan B
Vaccine viêm gan B được coi là một trong những loại vaccine an toàn và hiệu quả nhất từng được sản xuất. Nhiều nghiên cứu xem xét tính an toàn của vaccine đã được thực hiện bởi Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, và nhiều Hiệp hội y tế khác.
Không có bằng chứng nào cho thấy vaccine viêm gan B gây ra đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), tự kỷ, đa xơ cứng hoặc các rối loạn thần kinh khác.
Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vaccine viêm gan B có thể bao gồm đau nhức, sưng tấy và mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Vaccine viêm gan B có thể không được khuyến cáo cho những người bị dị ứng nấm men đã được ghi nhận hoặc có tiền sử phản ứng bất lợi với vaccine.
Trước khi tiêm vaccine viêm gan B, cần thông báo cho bác sĩ biết nếu có rối loạn hệ thống miễn dịch, đa xơ cứng, các vấn đề về thận, bệnh gan lâu dài, rối loạn chảy máu và HIV / AIDS.
Cũng như các loại vaccine khác, việc tiêm chủng cho những người bị bệnh cấp tính vừa hoặc nặng, có hoặc không sốt, nên được hoãn lại cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
- Mỗi năm có khoảng 900.000 người chết vì viêm gan B trên toàn thế giới.
- Viêm gan B lây truyền qua đường máu và có khả năng lây nhiễm cao gấp 100 lần HIV.
- Viêm gan B đôi khi được gọi là "bệnh dịch thầm lặng" bởi vì hầu hết những người bị nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào.
- Ung thư gan chiếm khoảng 5% số ca tử vong do ung thư. Gần một nửa số ca ung thư gan là do nhiễm viêm gan B mãn tính.
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên đưa vaccine viêm gan B vào chương trình tiêm chủng của tất cả các quốc gia. Vào năm 2019, hơn 8 trong số 10 trẻ sơ sinh trên khắp thế giới được tiêm 3 liều vaccine viêm gan B.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Viêm gan bí ẩn - gần 700 ca mắc tại 31 quốc gia