Người tìm ra nguyên lý sử dụng vaccine đầu tiên là bác sĩ người Anh Edward Jenner. Vào năm 1796, sau khi ông tiêm cho bé trai 13 tuổi vảy virus đậu bò để phòng bệnh đậu mùa.
Vào năm 1798, vaccine chủng ngừa bệnh đậu mùa đầu tiên đã được phát triển. Qua các thời gian việc triển khai thực hiện công tác tiêm chủng phòng đậu mùa đồng bộ và nhiều quốc gia tham dự nên năm 1979 bệnh đậu mùa đã được thanh toán trên toàn cầu.
Dần dần, các nhà khoa học đã phát triển vaccine cho hầu hết các bệnh từ bại liệt đến bệnh sởi, cứu sống hàng triệu người. Mặc dù vaccine có lịch sử lâu dài nhưng vẫn còn một số nhầm lẫn và những lời đồn đại về vaccine.
Vaccine và nhầm lẫn khoa học
Vào ngày 28 tháng 2 năm 1998, Andrew Wakefield, bác sĩ tiêu hóa người Anh, và các đồng nghiệp đã xuất bản một bài báo trên tạp chí ‘The Lancet’ là một tạp chí khoa học rất nổi tiếng, mô tả 12 đứa trẻ chậm phát triển trí não, trong đó có 8 trẻ bị tự kỷ.
Các triệu chứng của bệnh tự kỷ xuất hiện trong vòng 1 tháng sau khi chủng ngừa MMR (vaccine sởi, quai bị, rubella). Hơn thế nữa, những trẻ này đều có các triệu chứng và dấu hiệu viêm ruột trên nội soi tiêu hóa.
Nhóm tác giả còn phân lập được RNA của virus sởi có trong vaccine từ đường tiêu hóa của những đối tượng này. Từ các quan sát trên, Wakefield cho rằng vắc xin MMR gây ra viêm ruột dẫn đến thay đổi quá trình hấp thu của các peptit gây độc cho não từ máu dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển của não bộ.
Nghiên cứu của Wakefield và cộng sự làm cho các phụ huynh rất lo lắng, và nhiều hội nhóm bài trừ vaccine ra đời trên toàn thế giới khiến cho tỉ lệ tiêm chủng giảm hẳn những năm sau đó.
Không có mối liên hệ giữa vaccine và bệnh tự kỷ ở trẻ em
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác đã nhận thấy có rất nhiều điểm yếu trong nghiên cứu của Wakefield như: Nghiên cứu này không có nhóm chứng, nên là điểm hạn chế về mặt khoa học.
Mặt khác, tổn thương thần kinh trong bệnh tự kỷ xuất hiện từ trong bào thai, mà vaccine thì chỉ được sử dụng khi trẻ ra đời cũng là điểm khó giải thích.
Các triệu chứng đường tiêu hoá không phải là dấu hiệu xuất hiện trước khi mắc bệnh tự kỷ, nên không thể sử dụng giả thuyết về sự thay đổi hấp thu peptid để giải thích nguyên nhân của bệnh tự kỷ ở những đứa trẻ này theo lý thuyết của Wakefield.
Thêm nữa, bắt đầu từ khi vaccine MMR được triển khai năm 1987, tỉ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ cũng không tăng lên so với trước kia. Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng MMR của trẻ tự kỷ tương tự như toàn bộ các trẻ khác trong tất cả các dân số nghiên cứu.
Cuối cùng, sau rất nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận: không có mối liên hệ giữa vaccine MMR với bệnh tự kỷ.
Chính vì thế, đến năm 2010, tức 12 năm sau, bài báo của Wakefield bị tạp chí ‘The Lancet" rút lại. Không những thế ông không được hành nghề y ở nước Anh. Và nghiên cứu của Wakefield trở thành một trong những trò chơi khăm lớn trong vòng 100 năm lại đây.
Vậy các bố mẹ, còn chờ gì nữa mà không đưa trẻ đi tiêm vaccine. Bởi vì vaccine không những làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đối tượng được tiêm, mà còn gián tiếp làm giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội.
Lợi ích của vaccine là vô cùng to lớn, cho nên các bậc phụ huynh đừng tước đoạt đi cơ hội không nhiễm bệnh của con mình nhé. Nhớ đưa các bé đi tiêm phòng đầy đủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Video có thể bạn quan tâm:
Phòng ngừa COVID-19 khi đi mua sắm