“Vaccine số hoá” giúp doanh nghiệp vượt đại dịch

15-09-2021 17:37 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Đại dịch COVID-19 đã vô tình trở thành một “phép thử” của nền kinh tế cũng như cho từng doanh nghiệp (DN). Nhiều DN đi trước, hoặc nhanh chân “số hoá” đã vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường không chỉ phục hồi nhanh hơn, thậm chí còn mở ra hướng đi mới.

Đã đến lúc DN tự linh hoạt ứng phó

Sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Chính phủ có nhiều chính sách linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho DN trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất cho DN, chuỗi cung ứng hàng hóa cho nền kinh tế. Chính phủ cũng đang trình dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách, hỗ trợ DN, người dân trước tác động của COVID-19 với các giải pháp tài khóa hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), con đường chống dịch còn lâu dài nên các DN không nên quá trông chờ vào các giải pháp hỗ trợ; đã đến lúc chính các DN phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu DN, tìm cách thức quản trị mới để chung sống an toàn với dịch.

Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều DN đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những "làn sóng" lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều DN ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

"Thực tế cho thấy, những DN tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin về việc đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều là những DN đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các DN khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tìm "lực đẩy" ứng phó với COVID-19

Một trong những lĩnh vực được "số hoá" mạnh mẽ là y tế. Thời gian đại dịch, việc giãn cách, phong toả không làm giảm nhu cầu về chăm sóc y tế, nhiều DN đã tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiêu biểu như các dịch vụ bác sĩ online. Không ít DN cung cấp dịch vụ mảng này như: isofhcare; doctoranywhere; hay edoctor… cùng hàng loạt các công ty lớn nhỏ đang đứng trước cơ hội phát triển cả trong lẫn sau dịch nhờ hướng đi mới.

Đây là những công ty dịch vụ về y tế tư vấn sức khoẻ trực tuyến, giao thuốc tại nhà và cung cấp cả y, bác sĩ tư gia khi cần thiết.

Ngoài yếu tố hạn chế đi lại khiến các dịch vụ này phát triển, những nguyên nhân khác đến từ nhiều người sợ các bệnh viện, sợ đám đông, không muốn xếp hàng, cần tư vấn đơn giản hay sợ lây nhiễm COVID-19 khi ra ngoài.

“Vaccine số hoá” giúp doanh nghiệp vượt đại dịch - Ảnh 1.

Một số cơ sở y tế áp dụng nhiều hình thức khám trực tuyến, hoặc điều trị kết hợp với bác sĩ từ xa

Anh Bùi Văn Đắc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã một lần sử dụng dịch vụ y tế "trực tuyến" và đánh giá rất cao dịch vụ này. Anh cho biết rất hài lòng về sự tiện lợi, các tư vấn chu đáo. "Tôi dùng dịch vụ cho ba tôi vì thể trạng ông khó đi lại, thấy dịch vụ này rất tiện lợi trong tình hình dịch, cả việc khám sàng lọc các loại bệnh, tầm soát ung thư và các vấn đề liên quan tất tần tật. Một năm mình khám tổng quát 2 lần, gói cao cấp chỉ vài triệu đồng. Họ phục vụ khá tận tình, cử y, bác sĩ tới tận nhà làm các xét nghiệm hoặc lấy mẫu, đỡ mất công di chuyển và đỡ lo ngại dịch..." - anh Đắc nói.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tại nhà ngày càng tăng mạnh, đặc biệt khi có sự tác động rất lớn của COVID-19, những DN trong lĩnh vực này đã tranh thủ tận dụng cơ hội. "COVID-19 khiến cho nhận thức của cộng đồng về rủi ro đối với sức khỏe được đánh thức và nâng lên đáng kể. eDoctor xem đây là cơ hội lớn để phát triển" - Vũ Thanh Long, Tổng giám đốc eDoctor, chia sẻ.

Bên cạnh chăm sóc y tế, dịch bệnh lại tạo ra "lực đẩy" cho các hệ thống bán lẻ đang tham gia cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu tại thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM để phát triển kênh bán hàng trực tuyến.

Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra nhận đặt hàng qua website; và ứng dụng Saigon Co.op. Ngoài ra, khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại hoặc qua Zalo, Viber, danh bạ cập nhật trên website Saigon Co.op và Facebook Co.opmart giao hàng miễn phí trong phạm vi 6 km với hóa đơn 200.000 đồng, hóa đơn trên 500.000 đồng sẽ giao hàng miễn phí 10 km, hóa đơn trên 2 triệu đồng sẽ giao hàng miễn phí 15 km.

“Vaccine số hoá” giúp doanh nghiệp vượt đại dịch - Ảnh 3.

Nhiều siêu thị đẩy mạnh kênh bán hàng online và giao tại nhà

Hệ thống Big C, Tops Market, GO! đang bán hàng qua app: GO! & Big C; BipBip; Zalo Big C VN tại các quận - huyện "vùng xanh". Hệ thống VinMart, VinMart+ có nhận đặt hàng qua webisite hoặc VinMart flagship store trên Lazada.

Hệ thống Aeon mở lại kênh đi chợ online trên ứng dụng Grabmart và NowFresh (ShopeeFood) với sản phẩm là các combo nhu yếu phẩm, bánh trung thu và chỉ giao hàng nội quận Tân Phú, Bình Tân.

Phần lớn các doanh nghiệp cho biết lượng đơn hàng online tăng cao trong những ngày gần đây nhưng khả năng xử lý, đáp ứng đơn hàng còn hạn chế do thiếu nhân sự tại các siêu thị, cửa hàng và vướng ở khâu giao hàng. Tuy nhiên, những khó khăn này đang dần được khắc phục và sắp qua đi.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trưa 15/9: Hà Nội thêm 11 ca mắc, điều kiện nào để trở lại trạng thái “bình thường mới”?


Minh Thu
Ý kiến của bạn