Hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Chia sẻ những thông tin mới nhất của thế giới liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: hiện có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tháng 2/2022, chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Hiện nay đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nhà sản xuất. Đây là những vaccine đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Đối với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.
"Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12- dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới"- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau.
Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo
Liên quan đến việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng- Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM bày tỏ: chúng ta cũng hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng lúc tiêm gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ.
"CDC Hoa Kỳ và châu Âu đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vaccine để đưa vào sử dụng. Ví dụ đối với vaccine Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vaccine khác thì tỉ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1 triệu liều tiêm.
So sánh với những vaccine khác đã tiêm cho các cháu như: Dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vaccine COVID-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn đứng hàng thứ 5 sau những vaccine chúng ta đã từng tiêm cho trẻ em"- PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng nói.
Do đó để tiêm cho trẻ em thì kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm. Bên cạnh đó là tổ chức mạng lưới cấp cứu ngay sau khi tiêm, túc trực 24/24h.
PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, COVID-19 cũng như các bệnh do virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta cần đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
"Chúng ta nhớ lại trong quá khứ, có vaccine nhưng trẻ không được tiếp cận tiêm chủng và đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là vụ dịch sởi cách đây vài năm, rất thương tâm. Trẻ chưa được tiêm chủng mắc sởi và các cháu đã có những biến chứng rất trầm trọng và tử vong trong khi chúng ta có nguồn vaccine dồi dào và tỉ lệ tiêm chủng sởi rất cao trên 90%; nhưng có những gia đình nhất định chưa đưa con mình đi tiêm chủng và hệ lụy đã xảy ra"- PGS.TS Dương Thị Hồng cảnh báo.
PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: Hiệu quả của vaccine chúng ta đều đánh giá là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo cần phải đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế. Nhóm yếu thế ở đây đang là nhóm trẻ em.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng đưa ra dẫn chứng, các nhà khoa học Italy và Anh đã khảo sát 510 trường hợp ở Italy và Anh nhiễm COVID-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy các cháu có những triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần.
COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các cháu, các cháu cảm thấy mệt, khó thở, đánh trống ngực, tinh thần không ổn định; chỉ có 10% các cháu trở lại sinh hoạt bình thường. Qua đó cho thấy ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của COVID-19 đối với trẻ em như thế nào là vấn đề quan trọng.