Vaccine ngừa viêm phổi mới

26-07-2024 12:09 | Vaccine

SKĐS - Trong khuyến nghị cập nhật về vaccine mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã đưa vaccine liên hợp phế cầu khuẩn 21 giá trị (PCV21) vào danh sách lựa chọn cho những người có nguy cơ cao.

Phế cầu khuẩn có thể gây ra các bệnh truyền nhiễm và có khả năng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết (máu)...

PCV21 đã được FDA chấp thuận mới đây cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, để bảo vệ chống lại bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn. Vaccine có tên capvaxive, nhắm vào các nhóm vi khuẩn phế cầu khuẩn (huyết thanh) riêng biệt, gây ra khoảng 84% bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn ở người lớn từ 50 tuổi trở lên.

Phế cầu khuẩn gây ra những bệnh nào? | Vinmec

Phế cầu khuẩn có thể gây viêm màng não.

Tại sao vaccine phòng viêm phổi lại quan trọng?

Phế cầu khuẩn có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và thường đe dọa đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong thậm chí còn cao hơn ở những người lớn từ 65 tuổi trở lên, cũng như những người có bệnh lý nền. Các bệnh nhiễm trùng khác ít phổ biến hơn nhưng gây tử vong nhiều hơn. Viêm màng não do phế cầu khuẩn giết chết khoảng 1 trong 6 bệnh nhân lớn tuổi bị nhiễm bệnh và nhiễm trùng máu giết chết khoảng 1 trong 8 người lớn bị nhiễm bệnh.

Bệnh do phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi và nếu không tiêm vaccine, sẽ có nguy cơ cao bị tử vong do căn bệnh này. Các tác dụng phụ của việc tiêm chủng (như đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi và đau đầu) là rất nhỏ và lợi ích mang lại lớn hơn nhiều so với rủi ro.

CDC nhấn mạnh rằng, tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng phế cầu khuẩn nghiêm trọng.

Khuyến cáo của CDC được đưa ra sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ gần đây đã phê duyệt vaccine này, dựa trên bốn thử nghiệm lâm sàng chứng minh phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở các nhóm người lớn khác nhau.

vắc-xin capvaxive

Vaccine mới có khả năng bảo vệ chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng hơn so với vaccine cũ.


Ai nên cân nhắc tiêm vaccine PCV?

Vaccine mới nhất này được khuyến nghị là lựa chọn cho người lớn từ 65 tuổi trở lên, những người chưa từng tiêm vaccine liên hợp phế cầu khuẩn hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng trước đó.

Những người từ 19 - 64 tuổi có một số yếu tố nguy cơ, tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tim, bệnh phổi, đái tháo đường, bệnh thận hoặc bệnh gan… cũng được khuyến khích tiêm vaccine.

Tiêm chủng cũng được khuyến cáo là một lựa chọn cho người lớn từ 19 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phế cầu khuẩn khác trước đó, đặc biệt là những người đã bắt đầu loạt vaccine phế cầu khuẩn của mình bằng PCV13 (vaccine liên hợp phế cầu khuẩn 13 giá) nhưng chưa tiêm đủ liều PPSV23 (vaccine polysaccharide phế cầu khuẩn 23 giá) được khuyến nghị.

Theo TS y khoa Michael Niederman, chuyên gia về phổi và chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian/Weill Cornell, người có nghiên cứu tập trung vào việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng liên quan đến bệnh phế cầu khuẩn, việc lựa chọn vaccine phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố rủi ro của bạn. Nếu bạn là người có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng phế cầu khuẩn xâm lấn, bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn với PCV21, nhưng có một chủng xâm lấn được bảo vệ bởi PCV20 mà không được bảo vệ bởi PCV21…

PCV21 cũng có thể là một lựa chọn cho những người đã tiêm vaccine phế cầu khuẩn trước đó.

Nếu bạn 65 tuổi trở lên và còn 5 năm nữa mới được tiêm vaccine phế cầu khuẩn kết hợp (PCV13 + PPSV23), bạn có thể lựa chọn tiêm PCV20 hoặc PCV21 ngay bây giờ. Ngay cả khi bạn đã tiêm PCV20, bạn vẫn có thể được khuyên tiêm PCV21 tùy thuộc vào mức độ nguy cơ cao của bạn.

Do khuyến cáo về vaccine phế cầu khuẩn có thể phức tạp, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cập nhật lịch tiêm chủng mới nhất của CDC.

Bị cúm làm tăng nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn nên việc bảo vệ chống lại căn bệnh này đặc biệt quan trọng trong mùa cúm. Nếu cần tiêm cả hai loại vaccine, bạn có thể tiêm trong cùng một lần khám sức khỏe.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Phòng ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu ở trẻ nhỏ.


Thanh Phúc
(Theo EDH)
Ý kiến của bạn