Hà Nội

Vaccine HPV giúp giảm gần 90% nguy cơ ung thư cổ tử cung

05-11-2021 18:44 | Vaccine

SKĐS - Các bé gái được tiêm phòng virus u nhú ở người (HPV) càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung trong tương lai của họ càng thấp - theo một nghiên cứu mới ở Anh.

Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu được tiêm phòng sớm

Theo đó, đối với những phụ nữ được chủng ngừa HPV ở độ tuổi 12 hoặc 13, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung thấp hơn 87% so với những phụ nữ không được chủng ngừa. Tỷ lệ này thấp hơn 62% ở những người được chủng ngừa ở độ tuổi 14-16 và thấp hơn 34% ở những người được tiêm chủng ở độ tuổi 16-18.

Phát hiện này có được từ phân tích dữ liệu đăng ký ung thư được thu thập từ phụ nữ ở Anh trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 6 năm 2019, với độ tuổi từ 20 đến 64 tuổi vào cuối năm 2019.

photo-1636107225500

Tiêm phòng HPV càng sớm càng giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Theo nghiên cứu, chương trình tiêm phòng HPV bắt đầu ở Anh vào năm 2008. Đến tháng 6 năm 2019, số trường hợp ung thư cổ tử cung ít hơn khoảng 450 trường hợp và ít hơn 17.200 trường hợp tiền ung thư so với dự kiến ở những phụ nữ được tiêm chủng. Kết quả được công bố ngày 3 tháng 11 mới đây trên tạp chí The Lancet.

Tác giả nghiên cứu Peter Sasieni, giáo sư tại Đại học King's College London, cho biết: Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự hữu ích của việc tiêm phòng HPV trong việc ngăn ngừa nhiễm HPV ở Anh, nhưng bằng chứng trực tiếp về việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung còn hạn chế. Các nghiên cứu mô hình ban đầu cho thấy tác động của chương trình tiêm chủng đối với giảm tỷ lệ ung thư cổ tử cung là đáng kể ở phụ nữ 20-29 tuổi vào cuối năm 2019. Nghiên cứu mới của chúng tôi nhằm định lượng tác động ban đầu này. Thế nhưng tác động quan sát được thậm chí còn lớn hơn các mô hình dự đoán.

Vắc xin cervarix bảo vệ chống lại hai loại HPV phổ biến nhất gây ra 70% - 80% tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung. Hai mục tiêu này hiện diện ở 92% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung trước 30 tuổi.

Cervarix đã được sử dụng tại Vương quốc Anh từ năm 2008-2012. Thuốc chủng ngừa gardasil chống lại bốn loại HPV khác nhau, hiện được sử dụng để thay thế. Tại Hoa Kỳ, gardasil-9, chống lại 9 loại HPV, là vaccine đang được sử dụng ở nước này.

"Vấn đề quan trọng nhất, bên cạnh sự sẵn có của vaccine (liên quan đến những người ra quyết định trong chính sách y tế), là việc giáo dục người dân chấp nhận việc tiêm chủng, vì việc tăng tỷ lệ tiêm chủng là yếu tố then chốt để thành công". Tiến sĩ Maggie Cruickshank, Đại học Aberdeen cho biết.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

photo-1636107226731

HPV- loại virus gây u nhú ở người có thể gây ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư xảy ra trong các tế bào của cổ tử cung - phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo.

Các chủng khác nhau của virus u nhú ở người (HPV), một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, có vai trò gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung.

Khi tiếp xúc với HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể thường ngăn chặn virus gây hại. Tuy nhiên, ở một tỷ lệ nhỏ người, virus tồn tại trong nhiều năm, góp phần vào quá trình khiến một số tế bào cổ tử cung trở thành tế bào ung thư.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng hơn bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
  • Dịch âm đạo tiết ra bất thường, có máu, mùi hôi.
  • Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.

Ung thư cổ tử cung bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong cổ tử cung phát triển đột biến nhân lên ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào bất thường tích tụ tạo thành một khối (khối u). Tế bào ung thư xâm lấn các mô lân cận và có thể vỡ ra khỏi khối u để lây lan (di căn) đến những nơi khác trong cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình càng nhiều thì cơ hội nhiễm HPV càng lớn .
  • Hoạt động tình dục sớm: Quan hệ tình dục ở độ tuổi sớm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs): Chẳng hạn như chlamydia, lậu, giang mai và HIV / AIDS… làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Bạn có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu do tình trạng sức khỏe khác và bạn bị nhiễm HPV.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc có liên quan đến ung thư cổ tử cung tế bào vảy.
photo-1636107227585

Hình ảnh ung thư cổ tử cung.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung như thế nào?

Có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung bằng cách thực hiện các xét nghiệm sàng lọc và tiêm vaccine bảo vệ chống lại nhiễm trùng HPV .

Để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung:

  • Chủng ngừa HPV: Tiêm vaccine để ngăn ngừa nhiễm HPV có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV.
  • Làm xét nghiệm Pap định kỳ: Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tình trạng tiền ung thư của cổ tử cung, do đó chúng có thể được theo dõi hoặc điều trị để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Hầu hết các tổ chức y tế đề nghị bắt đầu xét nghiệm Pap định kỳ ở tuổi 21 và lặp lại chúng sau mỗi vài năm.
  • Thực hành tình dục an toàn: Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chẳng hạn như sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục và hạn chế số lượng bạn tình mà bạn có.
  • Không hút thuốc: Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các chiến lược giúp bạn bỏ thuốc lá.
BS Nguyễn Bích Ngọc
Theo Drugs, mayoclinic
Ý kiến của bạn