1. Tốc độ, khả năng thích ứng, tính đặc hiệu là những lợi thế của vaccine mRNA
Khái niệm sử dụng RNA thông tin (mRNA) để thúc đẩy quá trình sản xuất nội sinh của một phân tử phục vụ mục đích điều trị hoặc vaccine phòng ngừa không phải là một khái niệm mới lạ. Trong hơn 30 năm qua, hàng trăm nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu để phát triển vaccine và phương pháp điều trị bằng mRNA.
Trước đại dịch COVID-19, việc khám phá vaccine mRNA cho nhiều loại bệnh đã được tiến hành, bao gồm Ebola, Zika và bệnh dại, cũng như ung thư và cúm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 chính là động lực để tạo ra bước đột phá thực sự trong việc chế tạo vaccine mRNA hiệu quả và khả thi về mặt thương mại.
mRNA là các axit ribonucleic truyền tin tạo ra phản ứng miễn dịch từ các tế bào trước khi phân hủy. Chúng hoạt động bằng cách đưa vào một trình tự được mã hóa cho một kháng nguyên đặc hiệu của bệnh, một chất khiến cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại nó. Khi kháng nguyên này được tạo ra trong cơ thể, hệ thống miễn dịch có thể nhận ra nó và sẵn sàng chống lại virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng thực sự.
Vaccine mRNA chống lại SARS-CoV-2 đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng chỉ 63 ngày sau khi bộ gen của virus SARS-CoV-2 được công bố. So sánh với vaccine cho virus gây u nhú ở người (HPV), sử dụng công nghệ DNA tái tổ hợp, phải mất 15 năm để được chấp thuận sử dụng vào năm 2006.
So với vaccine truyền thống, vaccine mRNA có nhiều lợi thế hơn. Những lợi thế này bao gồm khả năng cập nhật nhanh chóng vaccine khi các biến thể mới xuất hiện, khả năng phát triển vaccine kết hợp để chống lại nhiều biến thể (và mầm bệnh) đồng thời và khả năng mở rộng quy mô để phục vụ dân số toàn cầu.
Hơn nữa, nền tảng mRNA tạo ra các kháng nguyên có độ trung thực sinh học vượt trội và tỷ lệ thành công cao hơn so với vaccine truyền thống. Chính vì vậy, mRNA sẽ là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn vì hiệu lực cao, khả năng phát triển nhanh, an toàn và sản xuất chi phí thấp.
2. Những thách thức của vaccine công nghệ mRNA
Công nghệ mRNA cũng có những khó khăn thách thức. Ví dụ, phân phối mục tiêu, tính dễ vỡ của các phân tử mRNA, đòi hỏi các điều kiện rất cụ thể để bảo quản và vận chuyển lạnh...
Tuy nhiên, sự thành công của vaccine COVID-19 có thể đã đưa mRNA từ một công nghệ từng được coi là hứa hẹn nhưng khó thương mại hóa thành một lĩnh vực mới để quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.
3. Tương lai của công nghệ vaccine mRNA
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của y học, một cuộc cách mạng dựa trên các ứng dụng rộng rãi của nền tảng mRNA trên các lĩnh vực bệnh tật khác nhau.
Bệnh lao, sốt rét và HIV được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là "bộ ba" bệnh truyền nhiễm. Chúng là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Đầu năm 2022, các thử nghiệm lâm sàng đối với các ứng cử viên vaccine mRNA cho HIV, sốt rét và bệnh lao đã được tiến hành. Ngoài ra, vaccine và phương pháp điều trị dựa trên mRNA cũng đang được phát triển cho các bệnh lý khác như xơ nang, bệnh tim, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác.
Vaccine mRNA cho phép bệnh nhân sản xuất protein, nhưng những protein này không nhất thiết phải được sử dụng để kích thích hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật.
Công nghệ vaccine mRNA có thể được sử dụng để thay thế các protein bị thiếu ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn chuyển hóa. Những căn bệnh có khả năng gây suy nhược này là do thiếu hụt enzym; cơ thể không thể sản xuất hoặc phá vỡ một số protein. Tương tự, vaccine mRNA có thể được sử dụng để giúp điều trị trầm cảm bằng cách cho phép bệnh nhân tăng mức serotonin hoặc dopamine để cải thiện tâm trạng hoặc giảm lo lắng.
WHO cho biết, công nghệ mRNA cũng có thể được sử dụng cho insulin để điều trị bệnh tiểu đường, thuốc điều trị ung thư trong tương lai...
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
6 lợi ích của việc cắt giảm đường