Tác động của tiêm chủng vaccine COVID-19 với diễn biến của đại dịch trên toàn cầu
Kể từ khi vaccine COVID-19 đầu tiên được sử dụng vào ngày 8/12/2020, gần 2/3 dân số thế giới đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine COVID-19.
Sáng kiến tiếp cận vaccine COVID-19 (COVAX) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các loại vaccine giá cả phải chăng cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn để giảm bất bình đẳng, với mục tiêu ban đầu là tiêm 2 liều vaccine cho 20% dân số ở các quốc gia trong cam kết năm 2021. Tổ chức Y tế Thế giới sau đó đã mở rộng mục tiêu này bằng cách đặt ra chiến lược toàn cầu để 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào giữa năm 2022.
Một số nghiên cứu đã tìm cách ước tính tác động của việc tiêm chủng đối với diễn biến của đại dịch. Các nghiên cứu này đã tập trung vào các khu vực cụ thể, như các quốc gia, tiểu bang hoặc thành phố riêng lẻ.
Nghiên cứu mới nhất là nghiên cứu đầu tiên ước tính tác động của việc tiêm chủng COVID-19 trên quy mô toàn cầu và là nghiên cứu đầu tiên đánh giá số ca tử vong được ngăn chặn cả trực tiếp và gián tiếp.
Để ước tính tác động của các chương trình tiêm chủng toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mô hình lây truyền COVID-19 đã được thiết lập bằng cách sử dụng dữ liệu cấp quốc gia cho các ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận chính thức xảy ra từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.
Mô hình đã tính đến sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia, cũng như sự khác biệt về hiệu quả vaccine ở mỗi quốc gia.
Việc định lượng tác động của tiêm chủng trên toàn cầu là một thách thức vì khả năng tiếp cận vaccine khác nhau với dữ liệu rất hạn chế ở nhiều quốc gia.
Tác giả của nghiên cứu, TS. Gregory Barnsley, Đại học Imperial College London, giải thích: "Cũng không thể đo lường trực tiếp có bao nhiêu trường hợp tử vong nếu không tiêm vaccine. nhưng mô hình toán học cung cấp một công cụ hữu ích để đánh giá các tình huống thực tế".
Theo ước tính, trong năm đầu tiên của chương trình tiêm chủng, 19,8 triệu trong tổng số 31,4 triệu ca tử vong tiềm ẩn do COVID-19 đã được ngăn ngừa trên toàn thế giới. Nếu việc phân phối vaccine được phổ biến công bằng hơn trên toàn cầu, con số này còn cao hơn dự tính.
Có thể ngăn chặn được thêm 599.300 trường hợp tử vong nếu mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêm chủng cho 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 đạt được.
Các quốc gia có thu nhập trung bình và cao chiếm số lượng ca tử vong được ngăn ngừa nhiều nhất (12,2 triệu / 19,8 triệu), cho thấy sự bất bình đẳng trong tiếp cận với vaccine trên khắp thế giới.
Những ước tính này là minh chứng cho vai trò của vaccine trong cuộc chiến chống COVID-19. Vaccine COVID-19 đã được phát triển với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử nghiên cứu khoa học và việc phân phối nhanh chóng vào năm 2021 đã giúp hàng triệu người được cứu sống.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra những lĩnh vực cần được cải thiện trong tương lai đó là các vấn đề với cơ sở hạ tầng phân phối vaccine và vấn đề công bằng với các nước giàu tích trữ liều lượng lớn.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng