Vaccine công nghệ mRNA có thể giúp phòng sốt rét hiệu quả

11-12-2022 10:36 | Vaccine

SKĐS – Bệnh sốt rét hằng năm lấy đi mạng sống của hàng trăm nghìn người trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hoa Kỳ cho thấy, căn bệnh này có thể phòng ngừa được nhờ vaccine công nghệ mRNA.

Sắp có vắc xin ngừa sốt rétSắp có vắc xin ngừa sốt rét

SKĐS - Bệnh sốt rét - một chứng bệnh truyền nhiễm do muỗi sinh ra đã tước đoạt mạng sống của hơn 400.000 người mỗi năm. Trong suốt nhiều thập kỷ vật lộn để tìm ra vắc xin phòng bệnh, giờ đây các nhà nghiên cứu ở Mali đã đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin này.

Hàng trăm triệu người mắc sốt rét mỗi năm

Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, với các triệu chứng đau đầu, sốt, lạnh run, thậm chí tử vong. Bệnh lây nhiễm qua đường máu. Muỗi cái Anopheles là trung gian truyền bệnh cho người khi hút máu chứa trùng sốt rét từ người bệnh lây cho người lành.

Sốt rét được tìm thấy ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, gây ra 241 triệu trường hợp mắc bệnh và ước tính 627.000 ca tử vong mỗi năm.

Vaccine là một biện pháp can thiệp có thể giúp loại bỏ căn bệnh chết người này, tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa tìm được vaccine có hiệu quả cao.

Vaccine phòng sốt rét hiệu quả nhờ công nghệ mRNA - Ảnh 2.

Vòng đời bệnh sốt rét.

Phát triển vaccine phòng sốt rét dựa trên công nghệ mRNA

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học George Washington đã phát triển hai vaccine mRNA có hiệu quả cao trong việc giảm lây truyền bệnh sốt rét. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hai loại vaccine thử nghiệm đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ cho dù được tiêm riêng lẻ hay tiêm kết hợp.

GS. Nirbhay Kumar, Trường y tế công cộng Viện Milken thuộc Đại học George Washington, cho biết: Những loại vaccine mRNA có khả năng đẩy lùi bệnh sốt rét ở nhiều nơi trên thế giới. Công nghệ vaccine mRNA cũng đã thành công trong việc chống lại COVID-19. Do đó, các nhà khoa học cho rằng, có thể điều chỉnh và sử dụng công nghệ này để phát triển các vaccine chống lại bệnh sốt rét.

Nghiên cứu cho thấy, vaccine mRNA có thể phá vỡ các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của ký sinh trùng Plasmodium falciparum, một loài ký sinh trùng gây bệnh sốt rét và nguy hiểm nhất đối với con người.

Các nhà khoa học đã tiêm 2 loại vaccine mRNA cho 2 nhóm chuột: Một loại vaccine nhắm vào protein giúp ký sinh trùng di chuyển khắp cơ thể và xâm nhập vào gan của chuột. Một loại vaccine nhắm vào protein giúp ký sinh trùng sinh sản trong ruột của muỗi. Sau đó, cho chuột nhiễm ký sinh trùng gây sốt rét.

Kết quả cho thấy, cả hai loại vaccine đều tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở chuột và có hiệu quả cao trong việc giảm lây nhiễm ở vật chủ và muỗi.

Theo các nhà nghiên cứu, sự hiện diện của các kháng thể trong quá trình truyền ký sinh trùng sang những con muỗi khỏe mạnh đã làm giảm đáng kể lượng ký sinh trùng ở muỗi, một bước quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây truyền bệnh sốt rét. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã tiêm cho chuột đồng thời cả hai loại vaccine và kết quả đã làm giảm sự lây nhiễm bệnh mà không ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch.

Các chuyên gia cho rằng, nghiên cứu này là bản lề cho việc phát triển vaccine có thể phá vỡ nhiều giai đoạn trong vòng đời của ký sinh trùng sốt rét, đưa chúng ta tiến một bước gần hơn đến việc sản xuất vaccine có thể sử dụng an toàn ở người để ngăn ngừa bệnh tật, cứu mạng sống cho nhiều người trên thế giới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mẹo chăm sóc da khi thời tiết trở lạnh.


Vân Hoàng
(Theo sciencedaily)
Ý kiến của bạn