Vaccine chống biến thể Omicron hiệu quả như liều 3 vaccine COVID-19 thông thường

17-02-2022 19:59 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thử nghiệm trên động vật cho thấy, liều tăng cường thiết kế để chống lại biến thể Omicron cũng chỉ hiệu quả như liều 3 vaccine ngừa COVID-19 thông thường khác.

13 triệu chứng nhiễm Omicron ở người đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-1913 triệu chứng nhiễm Omicron ở người đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19

SKĐS - Một nghiên cứu mới nhất liệt kê 13 triệu chứng nhiễm Omicron mà những người đã được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ thường gặp phải.

Do Omicron, biến thể của virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục lây lan rộng toàn cầu, các nhà sản xuất vaccine đang dồn nguồn lực vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng liều vaccine COVID-19 đặc hiệu nhằm chống lại biến thể Omicron.

Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu trên động vật ban đầu cho thấy liều vaccine tăng cường đặc hiệu nhằm chống lại biến thể Omicron cũng không hơn gì so với liều 3 các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay.

Xe cấp cứu xếp hàng dài tại một bệnh viện ở London (Anh) do các ca nhiễm tăng đột biến trước sự lây lan của biến thể Omicron

Xe cấp cứu xếp hàng dài tại một bệnh viện ở London (Anh) do các ca nhiễm tăng đột biến trước sự lây lan của biến thể Omicron

Phần lớn nghiên cứu chỉ tập trung vào thử nghiệm trên một số lượng nhỏ động vật - 8 con linh trưởng. Tuy nhiên, dấu hiệu ban đầu cho thấy liều duy nhất vaccine thiết kế chuyên dụng chống Omicron sẽ không làm thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến với biến thể Omicron này.

Những gì chúng tôi nhận thấy từ nghiên cứu tiền lâm sàng ban đầu trên động vật cho thấy liều tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron không thực sự tốt hơn liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 hiện hành.
David Montefiori - Chuyên gia nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Vaccine AIDS tại Trung tâm Y khoa Đại học Duke ở Durham, North Carolina

Liều tăng cường vaccine COVID-19 phiên bản gốc hay đặc hiệu Omicron là ngang nhau trong việc chống lại mọi biến thể

Kể từ khi lần đầu nhận diện vào tháng 11 năm ngoái, Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo toàn cầu. Về mặt sinh học, biến thể này khác biệt so với chủng gốc của virus SARS-CoV-2 mà hầu hết các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay dựa vào để phát triển.

Chính sự khác biệt này có thể lý giải tại sao 3 liều vaccine hiện hành (2 liều cơ bản và 1 liều bổ sung) kém hiệu quả hơn trước biến thể Omicron trong việc chống lây nhiễm so với các biến thể khác.

Những đột biến của virus đã buộc các nhà sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA phát triển nên công thức vaccine ngừa COVID-19 phù hợp với Omicron. Cả hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna đã tuyên bố vào cuối tháng 1 rằng hai hãng này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng những liều vaccine đặc hiệu chống Omicron. Dữ liệu thử nghiệm sẽ sớm được công bố trong những tháng tới.

Trong khi các nhà khoa học đang chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng chính thức từ các nhà sản xuất, nghiên cứu trên động vật có thể hé mở khả năng tận dụng tiềm năng của các loại vaccine được cải tiến này.

Một nghiên cứu kiểm tra phản ứng miễn dịch trên 8 con khỉ giống rhesus macaques (tên khoa học: Macaca mulatta) nhằm so sánh sự khác biệt. 

Trong thí nghiệm, tiêm 3 liều vaccine COVID-19 gồm 2 liều cơ bản vaccine Moderna và 1 liều tăng cường (dù là cùng loại hay phiên bản tích hợp đột biến protein gai Omicron).

Và kết quả là, những con khỉ được tiêm liều 3 tăng cường dù là với phiên bản gốc hay phiên bản cải tiến Omicron đều sản sinh ra lượng kháng thể lớn chống lại tất cả mọi biến thể đáng quan ngại, trong đó có Omicron.

Vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron hiệu quả không hơn vaccine COVID-19 thông thường trong thử nghiệm ban đầu - Ảnh 5.

Các nhà sản xuất vaccine COVID-19 đang tìm cách phát triển vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron

Điều quan trọng là, liều tiêm tăng cường có tác dụng tích cực đối với tế bào ghi nhớ B của hệ miễn dịch. Tế bào B miễn dịch đóng vai trò tập hợp các kháng thể tạo thành hàng rào bảo vệ chống lại virus. Cả vaccine phiên bản gốc lẫn liều cải tiến đều giúp nâng cao lượng tế bào ghi nhớ miễn dịch nhằm nhắm tới nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.

Chúng ta vẫn có thể bảo vệ chống lại mọi loại biến thể đã biết của virus SARS-CoV-2 với liều tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 hiện tại.
Chuyên gia Robert Seder- Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ

Theo ông Robert Seder- đồng tác giả của công trình nghiên cứu và nhà miễn dịch học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ ở Maryland, đây là một tín hiệu vui. "Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vẫn có thể bảo vệ chống lại mọi loại biến thể đã biết với liều tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 hiện tại."

Tuy nhiên, ông cảnh báo nghiên cứu này mới chỉ kiểm tra phản ứng miễn dịch 4 tuần sau liều tiêm tăng cường. Như vậy, chưa rõ cơ thể sẽ tiếp tục sản sinh kháng thể chống virus trong bao lâu.

Liều tăng cường đặc hiệu chống Omicron chưa phải là giải pháp tối ưu

Nhóm nghiên cứu của Seder đã tiết lộ về phản ứng miễn dịch trên những con khỉ được tiêm liều tăng cường khi so sánh giữa liều 3 vaccine ngừa COVID-19 thông thường với phiên bản cải tiến chống Omicron. 

"Liều 3 loại nào cũng khóa sự nhân lên của virus trong vòng 2 ngày.", ông nói. Ở cả thí nghiệm về phản ứng miễn dịch cũng như phân tích về tế bào B ghi nhớ miễn dịch, phiên bản đặc hiệu chống biến thể Omicron không có lợi thế nào đáng kể hơn so với vaccine phiên bản gốc.

Đồng nhất với những kết quả nghiên cứu trên linh trưởng, một nghiên cứu trên chuột cho thấy liều tăng cường cải tiến chống Omicron sau 2 liều cơ bản vaccine mRNA cũng không mang lại lợi ích nhiều hơn so với liều tăng cường thông thường. 

Nghiên cứu này cũng xem xét hiệu quả vaccine đặc hiệu chống Omicron ở chuột, những con trước đó chưa từng được tiêm chủng và nhận thấy rằng cơ thể chúng sản sinh ra lượng kháng thể cao chống lại Omicron. Tuy nhiên, lượng kháng thể này lại chỉ có hiệu quả giới hạn trong việc ức chế các biến thể chủ đạo khác của COVID-19. 

Một nghiên cứu khác ở chuột được tiêm vaccine mRNA phiên bản cải tiến Omicron cũng cho kết quả tương tự.

Trong nghiên cứu thứ 4, các nhà khoa học thử nghiệm 3 liều vaccine nhân bản RNA của HDT Bio ở Seattle, Washington trên chuột. Đầu tiên, chuột được tiêm 2 liều vaccine phiên bản gốc kèm theo 1 liều vaccine tăng cường đặc hiệu chống Omicron. Trong thí nghiệm này, liều 3 đã không nâng cao phản ứng miễn dịch chống Omicron. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch chống Omicron nâng lên rõ rệt khi chuột được tiêm kết hợp 1 liều vaccine phiên bản gốc với 2 liều đặc hiệu chống Omiron. 

"Những nghiên cứu này cho chúng ta thấy quy luật của hệ miễn dịch khi bạn được tiêm liều tăng cường đặc hiệu chống biến thể", chuyên gia Montefiori nói. Những quy luật này cho thấy chỉ một liều đơn lẻ vaccine cải tiến chống một loại biến thể không phải là giải pháp, ông nói. "Vẫn còn đó những câu hỏi quan trọng cần được giải đáp. Hy vọng nghiên cứu thử nghiệm của Pfizer và Moderna trên người sẽ làm được điều đó". 

Bất ngờ Nguồn gốc của Biến thể Omicron


Nguyễn Vân
(theo Nature)
Ý kiến của bạn