Vaccin tiêm nhầm cho 31 thai phụ ở Bắc Ninh: Không ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi

29-12-2014 07:00 | Thời sự

SKĐS - Đây là khẳng định của các chuyên gia về tiêm chủng và vaccin của ngành y tế Việt Nam cũng như chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về sự cố tiêm nhầm vaccin cho 31 thai phụ tại Bắc Ninh.

-Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sai sót này.

-Đình chỉ cán bộ tiêm nhầm vaccin.

-Thành lập tổ tư vấn, theo dõi quản lý thai nghén cho các thai phụ đến khi sinh.

Đây là khẳng định của các chuyên gia về tiêm chủng và vaccin của ngành y tế Việt Nam cũng như chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về sự cố tiêm nhầm vaccin cho 31 thai phụ tại Bắc Ninh. Cũng ngay sau khi xảy ra sự cố tiêm nhầm vaccin cho 31 thai phụ, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc và xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sai sót này.

 

Tiêm vaccin cho phụ nữ mang thai là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho cả mẹ và con.      Ảnh: Trần Minh

Trước sự quan tâm của dư luận về việc tiêm nhầm vaccin cho 31 thai phụ tại xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, chiều ngày 27/12, tại Sở Y tế Bắc Ninh đã diễn ra buổi làm việc giữa Sở Y tế Bắc Ninh với đại diện Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Đã đình chỉ cán bộ gây ra sự cố tiêm chủng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hạnh Chung - Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết: Ngày 20/12, nhân viên y tế của Trạm y tế xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) tiêm vaccin DPT ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván cho 31 thai phụ thay vì tiêm vaccin AT phòng uốn ván. Người tiêm nhầm là Trạm phó Trạm y tế xã, đã được tập huấn và có chứng chỉ về thực hành tiêm chủng.

Theo ông Chung, việc tiêm nhầm có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cán bộ tiêm đã không tuân thủ đúng quy trình. Buổi tiêm hôm đó, cán bộ tiêm chủng chính có việc gia đình nên nghỉ, Phó Trưởng trạm y tế tiêm thay. Cán bộ này trực tiếp đến tủ lấy vaccin nhưng chỉ để ý đến chữ uốn ván mà không để ý chữ khác. Sau khi tiêm cho 31 thai phụ, cán bộ này cũng không phát hiện, chỉ đến khi cán bộ tiêm chủng khác đến thu dọn bàn tiêm mới phát hiện sai sót.

Sau sự việc xảy ra, Sở Y tế Bắc Ninh đã thành lập tổ tư vấn, theo dõi quản lý thai nghén cho các thai phụ đến khi sinh và cung cấp số điện thoại để khi cần các thai phụ có thể liên lạc. Qua theo dõi hàng ngày, sức khỏe của các bà mẹ và thai nhi đều ổn định. Ngành y tế đã tiến hành niêm phong vỏ lọ vaccin đã tiêm trong buổi sáng 20/12 và tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan điều tra, xác minh làm rõ sự việc. Hiện Trạm phó này đã bị đình chỉ công tác.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế Bắc Ninh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế theo dõi, quản lý thai nghén đến khi sinh cho các thai phụ đã tiêm vaccin DPT, giải thích, tư vấn để các bà mẹ yên tâm, tăng cường và chấn chỉnh công tác an toàn tiêm chủng và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tiếp tục đi tiêm chủng phòng bệnh.

Cần rà soát lại công tác tiêm chủng

Về sự việc này, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ TW tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá những ảnh hưởng có thể có của vaccin DPT với thai phụ và bàn biện pháp giải quyết. Hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng, miễn dịch, dị ứng, sản khoa, nhi khoa, đồng thời tham khảo ý kiến của chuyên gia WHO và thống nhất kết luận: Việc tiêm vaccin DPT không ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi vì đây là vaccin bất hoạt và không gây dị dạng cho thai nhi. Sau khi Hội đồng chuyên môn họp, các chuyên gia đã trực tiếp về xã Tương Giang để giải thích cho người dân yên tâm.

Ông Phu khẳng định, tuy không gây ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi nhưng đây là sai sót trong thực hành tiêm chủng của cán bộ y tế. Vì thế, để xử lý nghiêm vi phạm trên, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc và xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sai sót này.

Theo ông Phu, mặc dù vụ việc xảy ra tại một xã nhưng vẫn cần phải giải quyết triệt để với sự phối hợp của các nhà quản lý, chuyên gia với cách giải quyết khoa học và nghiêm túc để không ảnh hưởng tới các thai phụ và cộng đồng. Qua sự việc xảy ra cho thấy, công tác đảm bảo tiêm chủng vẫn còn lỗi hệ thống và lỗi ở cơ sở. Do đó, tỉnh Bắc Ninh cần rà soát lại công tác an toàn tiêm chủng vì thực tế cho thấy công tác này vẫn còn thực hiện chưa đúng qui trình, chưa đầy đủ, do đó, cần uốn nắn để cán bộ làm công tác tiêm chủng cho tốt. Đồng thời, ngành y tế Bắc Ninh tổ chức khám định kỳ cho các bà mẹ trong vấn đề thai nghén; không để vụ việc thành vấn đề xã hội lớn.

Hiện Bộ Y tế vẫn chỉ đạo Chương trình tiêm chủng mở rộng, các đơn vị chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn y tế tỉnh Bắc Ninh kiểm tra sức khỏe mẹ và tình trạng thai nhi của các thai phụ này.

Thái Bình

 

Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia về tiêm chủng, sản khoa và chuyên gia của WHO liên quan đến sự cố tiêm nhầm vaccin này.

-PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW:

Vaccin tiêm nhầm này không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Ông Hiển cho biết, tại Hoa Kỳ, từ tháng 10/2014, Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai trước đây không tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván nên được tiêm ở giai đoạn sau, từ tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể thụ động đến thai nhi, trẻ sơ sinh nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ trong 3 tháng đầu đời khi trẻ chưa đủ tuổi tiêm vaccin DPT.

Tại Việt Nam, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014, nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccin DPT ở phụ nữ mang thai đã được thực hiện tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccin an toàn khi tiêm cho phụ nữ có thai. Các phản ứng sau khi tiêm chủng ghi nhận được chỉ là phản ứng thông thường như: sưng, đau nhẹ tại vị trí tiêm, không ghi nhận bất kỳ tai biến nặng nào sau tiêm chủng. Tất cả trẻ em sinh ra từ các phụ nữ có thai được tiêm vaccin này đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.

-Ông Masaya Kato - chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới:

“Tôi đồng tình với ý kiến của Hội đồng chuyên môn và Bộ Y tế về việc kết luận vaccin này không ảnh hưởng xấu tới phụ nữ mang thai. Ở một số nước còn khuyến cáo tiêm vaccin này cho phụ nữ mang thai. Cho đến nay, trên thế giới không ghi nhận số liệu nào báo cáo về phản ứng và ảnh hưởng của vaccin DPT cho phụ nữ có thai và thai nhi. Việc tiêm chủng là quan trọng vì lợi ích lớn hơn nhiều so với các nguy cơ có thể gặp” - ông Kato khẳng định.

Theo ông Kato, nhiều nước châu Âu và Hoa Kỳ đã tiêm vaccin DPT cho phụ nữ mang thai từ 3 tháng trở lên bất kể tiền sử tiêm chủng.

Liên quan đến sự việc này, ông Kato cho biết, WHO đánh giá cao nỗ lực và phản ứng nhanh chóng của Bộ Y tế Việt Nam khi đã thành lập Hội đồng gồm các chuyên gia cũng như thành lập Ban điều tra sự việc để đưa ra kết luận rất nhanh, đồng thời có nhiều hoạt động thăm khám, hỗ trợ tâm lý cho các thai phụ để họ yên tâm hơn.

-PGS.TS. Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế):

Về nguy cơ đối với thai phụ, tôi khẳng định DPT là vaccin kết hợp 3 thành phần kháng nguyên bất hoạt là bạch hầu, ho gà, uốn ván, không ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi. Đây không phải là vaccin sống nên không thể sinh sản và phát triển trong cơ thể con người và không thể truyền qua nhau thai. Thành phần uốn ván trong vaccin DPT vẫn có tác dụng phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh như sử dụng vaccin AT.

Hơn nữa, với những thai nhi trên 14 tuần, đã qua thời kỳ thai nhi hoàn thiện và phát triển nên nếu có gì xảy ra cũng không ảnh hưởng đến thai nhi, không gây dị dạng bẩm sinh. Phản ứng nếu có thể xảy ra đối với bà mẹ chủ yếu là phản ứng tại chỗ như sưng, nóng, đỏ, đau.

Việc tiêm chủng là quan trọng vì lợi ích lớn hơn nhiều so với các nguy cơ có thể gặp. Các cán bộ y tế khi tiêm cần tuân thủ đúng quy trình “3 tra 5 đối” để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót trong quá trình tiêm chủng.

-PGS.TS. Trần Danh Cường - Phó Giám đốc BV Phụ sản TW, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh - BV Phụ sản TW:

Tôi đã trực tiếp khám, sàng lọc trước sinh cho các thai phụ bị tiêm nhầm vaccin tại Trạm Y tế xã Tương Giang. Có 29/31 thai phụ đã đến khám, sàng lọc trước sinh, mẹ và thai nhi trong tình trạng ổn định, không có bất thường về thai nhi. Hai bà mẹ còn lại đã chủ động lên BV TW khám và không có vấn đề gì.

Đối với vaccin tiêm nhầm, tôi được biết đây là vaccin không hoạt động gì (không phải vaccin sống) thì không thể vào thai nhi được. Tuổi thai của thai phụ đã lớn, các cơ quan của trẻ đã hình thành. Do đó, tôi có thể khẳng định chắc chắn vaccin không gây dị dạng cho thai nhi. Ông Cường cũng cho hay sẽ sẵn sàng phối hợp với ngành y tế Bắc Ninh tiếp tục theo dõi, khám cho các thai phụ này cho đến khi sinh.

-ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương:

Thành phần uốn ván trong vaccin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) vẫn có tác dụng phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ có thai như sử dụng vaccin AT (vaccin phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ). Các thành phần khác trong vaccin DPT như bạch hầu, ho gà là những thành phần kháng nguyên bất hoạt, tạo miễn dịch cho cơ thể chống lại độc tố bạch hầu, ho gà. Hơn nữa, đây là vaccin chế tạo từ vi khuẩn chết nên không có nguy cơ gì nghiêm trọng về mặt tác động trực tiếp tới sức khỏe bà mẹ và ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhóm phóng viên SK&ĐS (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến của bạn