Thử nghiệm lâm sàng pha III của vắc-xin này được thực hiện trên 331 bệnh nhân tại hơn 80 địa điểm ở 4 quốc gia. Các bệnh nhân được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên: Nhóm điều trị bằng liệu pháp chuẩn có bổ sung vắc-xin cá nhân hóa mang tên DCVax-L và nhóm điều trị bằng liệu pháp chuẩn kèm giả dược. Vắc-xin cá nhân hóa được thiết kế riêng cho từng cá thể bệnh nhân.Nhóm vắc-xin có số bệnh nhân đông gấp đôi nhóm giả dược. Bên cạnh đó, bất kỳ bệnh nhân nào có biểu hiện ung thư tái phát hoặc tiến triển sau thử nghiệm ban đầu đều sẽ được cung cấp vắc-xin. Như vậy, gần 90% bệnh nhân tham gia thử nghiệm đã được sử dụng loại vắc-xin này.
Kết quả phân tích cho thấy rằng, tất cả 331 bệnh nhân đều có tỷ lệ sống trung bình hơn 23 tháng. Trong đó, các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến nhóm 100 bệnh nhân có tỷ lệ sống lên đến 40,5 tháng. Nhìn chung, tất cả các bệnh nhân đều có tỷ lệ sống cao hơn so với tiêu chuẩn chăm sóc hiện tại và 30% bệnh nhân có thời gian sống dài hơn mong đợi.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết vắc-xin này có rất ít tác dụng phụ, khi so sánh với các liệu pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tuy nhiên, khoảng 2% người tham gia đã gặp biến cố bất lợi nghiêm trọng, như sưng phù não và co giật. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục thử nghiệm loại vắc-xin này.