Hiện nay, theo các tác giả nghiên cứu, u nguyên bào thần kinh đệm gây ra khoảng 15 nghìn ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm. Ngay cả khi khối u đáp ứng với điều trị thì nguy cơ tái phát vẫn rất cao do tế bào ung thư trú ẩn trong mô não gần đó dưới dạng tế bào gốc glioblastoma (GSC) làm cho bệnh không được chữa khỏi. Trong các nghiên cứu trước đây sử dụng mô hình chuột mắc glioblastoma, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng virut Zika có thể tấn công các GSC trong phòng thí nghiệm. Họ cũng phát hiện ra rằng virut Zika hoạt động kém hơn trong việc tấn công mô não đã phân hóa thành các loại tế bào khác nhau. Từ đó, họ đã phát triển một loại vắc-xin Zika đặt tên là ZIKV-LAV. Vắc-xin này được chế tạo bằng cách làm cho virut bị suy yếu hoặc xóa một phần nhỏ của bộ gene để ngăn không cho nó dễ dàng sao chép. Trong thử nghiệm trên chuột với một nửa số con chuột được tiêm GSC có nguồn gốc từ người, nửa còn lại cũng được tiêm GSC nhưng có bổ sung ZIKV-LAV. Kết quả cho thấy, những con chuột chỉ nhận được GSC phát triển khối u một cách nhanh chóng, nhưng những con chuột nhận được GSC cộng với vắc-xin có sự tăng trưởng khối u chậm trễ và sống sót lâu hơn đáng kể.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, trong tương lai, vắc-xin Zika có thể được trao cho bệnh nhân tại thời điểm phẫu thuật để virut có thể “săn lùng các GSC và loại bỏ chúng”, từ đó ngăn ngừa sự tái phát của khối u.