Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (7 - 9/10) tập trung vào các nội dung như: Nhu cầu y tế công cộng toàn cầu; cung cấp vắc -xin toàn cầu; phương thức tiếp cận đối với các vắc - xin mới; phát triển sản phẩm và hợp tác; khoa học và qui chế; công nghệ mới trong phát triển và cung cấp vắc -xin. Nhiều báo cáo được các đại biểu quan tâm như: Chiến lược thanh toán bại liệt và việc tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất vắc - xin; Cơ cấu chi phí phân phối giá cho mỗi liều vắc -xin; Dự án giá và việc cung cấp vắc- xin của Tổ chức Y tế thế giới; Vắc -xin sốt xuất huyết Dengue; Thay đổi tiêu chuẩn trong việc đảm bảo chất lượng vắc- xin.
Tiêm phòng cho bé tại phòng khám trẻ Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: N.C.T. |
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trong những thập kỷ qua, vắc- xin đã đóng góp vai trò lớn trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Vắc - xin đã cứu sống hàng chục triệu trẻ em trên toàn thế giới thoát khỏi tử vong vì các bệnh truyền nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm khoảng 3 triệu trẻ em đã được cứu sống nhờ vắc- xin; bên cạnh đó còn có khoảng 2 triệu trẻ đã tử vong do không có cơ hội tiếp cận với vắc - xin. Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học trong lĩnh vực dịch tễ y học, đến nay, loài người đã nghiên cứu thành công các vắc - xin phòng bệnh cho 30 bệnh truyền nhiễm.
Mạng lưới các nhà sản xuất vắc - xin ở các nước đang phát triển được thành lập từ năm 2000 với mục đích bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm bằng cách cung cấp vắc - xin với số lượng đầy đủ và chất lượng tốt. Ðến nay, DCVMN đã có trên 38 thành viên, sản xuất hơn 40 loại vắc - xin với nhiều dạng đóng gói khác nhau cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và có khoảng trên 200 sản phẩm khác đã được cấp phép lưu hành sử dụng trên thị trường. Trong số các sản phẩm do các nhà sản xuất thành viên sản xuất, 33 sản phẩm đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá và cấp chứng chỉ thẩm định... |
Thu Hương