Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ra thông cáo chung khẳng định không có bằng chứng cho thấy có vấn đề về sự an toàn của vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác.
Để đưa ra tuyên bố này, trước đó WHO và UNICEF đã hỗ trợ một cuộc điều tra với sự giúp đỡ kỹ thuật độc lập từ trong nước và quốc tế. Kết quả không tìm thấy bằng chứng để nghi ngờ chất lượng và sự an toàn của vắc-xin 5 trong 1 đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong của trẻ sau tiêm. Kết quả điều tra về tính an toàn của vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam cũng đã được báo cáo tại một cuộc họp toàn cầu hội tụ các chuyên gia độc lập về an toàn vắc-xin. Họ đã xem xét các bằng chứng từ Bhutan, Ấn Độ, Sri Lanka và kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy có vấn đề về sự an toàn của vắc-xin 5 trong 1 ở các quốc gia này.
Tiêm vắc-xin cho trẻ là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất. Ảnh: AD
Theo WHO, mỗi năm tại Việt Nam, vắc-xin đã bảo vệ 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi chống lại tối thiểu 8 căn bệnh đe dọa tính mạng của trẻ. Nếu không tiêm chủng, nguy cơ tử vong hoặc bị các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib hoặc viêm gan B lớn hơn nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ có thể có từ vắc-xin. Nghiên cứu cho thấy, cứ 1 trong 4 trẻ em bị nhiễm virut viêm gan B mạn tính sẽ chết vì bệnh có liên quan đến gan khi trưởng thành; 10 trẻ bị uốn ván thì có 2 trẻ bị chết; 20 trẻ bị bạch hầu thì có 1 trẻ bị chết; Hib viêm màng não gây tử vong từ 3 - 20% trên tổng số bệnh nhân. 30 - 40% các em sống sót sau viêm màng não sẽ bị biến chứng thần kinh lâu dài.
Vắc-xin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 do GAVI tài trợ. Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 4/2013 ghi nhận 43 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc-xin. 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc-xin đều gặp phản ứng này), một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã điều trị và đã qua khỏi. Trước sự cố này, Việt Nam đã ngừng tiêm vắc-xin Quinvaxem từ tháng 5/2013 và mời WHO điều tra, kiểm định độc lập về vắc-xin này. Kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh cũng cho thấy, mẫu vắc-xin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 - các lô vắc-xin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đều đạt các yêu cầu về chất lượng.
Các chuyên gia của WHO và UNICEF cũng khẳng định: “Không vắc-xin nào an toàn 100%. Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên lạ, cơ thể sẽ sản xuất kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Độ an toàn vắc-xin, tính phản ứng vắc-xin phụ thuộc vào kháng nguyên của vắc-xin. Ví như vắc-xin ho gà, người ta quan tâm nhiều đến phản ứng phụ, sau tiêm có những phản ứng phụ như sốt, sưng đau tại chỗ, trẻ quấy khóc, thậm chí có sốt co giật... Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của nhà sản xuất vắc-xin cũng như khuyến cáo của WHO, đó là những khuyến cáo nhẹ và rất ít phản ứng nặng gây tử vong. Vắc-xin có những phản ứng như thế, nhưng vì tính hiệu quả vượt trội trong phòng bệnh hơn hẳn với nguy cơ tai biến nên WHO khuyến cáo đưa vắc-xin này vào sử dụng”.
Trước lo ngại của nhiều người dân Việt Nam về chất lượng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, WHO cho biết, Quinvaxem đã được kiểm định rất nghiêm ngặt qua từng bước trong suốt quá trình sản xuất và cung cấp, đảm bảo chất lượng vắc-xin đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trên toàn cầu. Đối với những ca tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, kết quả điều tra độc lập ghi nhận các trường hợp tử vong không có diễn tiến giống nhau, một số trường hợp là sự trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý. Do đó, WHO khuyến cáo tất cả các bậc phụ huynh kiểm tra tình trạng tiêm chủng của con để đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ vắc-xin. Đây vẫn là cách đơn giản và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe con trẻ.
Nguyễn Hoàng