GS.TS. Nguyễn Trần Hiển. |
PV: Thưa GS, sau một loạt các ca phản ứng sau khi triển khai tiêm lại vắc-xin Quinvaxem, dư luận có chiều nghi ngại về chất lượng của vắc-xin Quinvaxem?
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Mục tiêu của tiêm chủng để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắc-xin. Mặc dù vắc-xin là an toàn, nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ; phản ứng sau tiêm chủng có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vắc-xin. Hầu hết các phản ứng vắc-xin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch với kháng nguyên vắc-xin. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ phản ứng này từ 10-50% trẻ được tiêm vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Tuy vậy cũng có thể có những phản ứng nặng hơn như tím tái, co giật, khóc thét dai dẳng, sốc phản vệ, bại não... nhưng rất hiếm gặp. Qua theo dõi và phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem trong thời gian qua cho thấy, tỉ lệ phản ứng sau tiêm ở Việt Nam vẫn thấp hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với tỷ lệ thống kê của WHO đối với vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào.
PV: Vắc-xin ho gà toàn tế bào gây ra nhiều phản ứng nặng hơn vắc-xin ho gà vô bào. Đó cũng là lý do các nước phát triển không sử dụng vắc-xin ho gà toàn tế bào nữa, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Trong các loại vắc-xin được sử dụng trong Chương trình TCMR hiện nay, vắc-xin ho gà có tỉ lệ phản ứng mạnh nhất nhưng đó là tỉ lệ chấp nhận được, không đe doạ tính mạng, không gây tử vong. Theo WHO, Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng tại chỗ và sốt cao nhưng phản ứng nặng rất ít gặp và nó vẫn là vắc-xin có độ an toàn tương đương vắc-xin ho gà vô bào. Những trường hợp phản ứng nặng tại Hải Phòng, Quảng Trị sau khi điều tra cơ quan chuyên môn đã có kết luận thời điểm đó trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản, béo phì, còi xương, thiếu máu… xảy ra trùng với thời điểm tiêm chủng. Cho đến nay, trên thế giới và ở Việt Nam không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa việc tiêm Quinvaxem với các trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin. Phản ứng sau tiêm nặng có thể xảy ra trùng hợp với tiêm chủng và đôi khi có thể bị cho là do tiêm chủng vắc-xin. WHO khuyến cáo tuỳ tình hình, tiềm lực, mỗi nước sẽ lựa chọn loại vắc-xin phù hợp (sao cho đảm bảo không ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng, giảm thiểu tác dụng phụ do vắc-xin gây ra). Nhưng tôi cũng xin khẳng định lại là vắc-xin là một loại sinh phẩm mà trước khi đưa ra sử dụng đã trải qua nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm định tính an toàn khi xuất xưởng, cấp phép và kiểm tra thường kỳ trong quá trình triển khai tiêm chủng. Tính an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Theo kết quả giám sát, lấy mẫu và kiểm định vắc-xin Quinvaxem và viêm gan B ở các tuyến do Viện Vắc-xin sinh phẩm Quốc gia thực hiện trong 4 tháng qua đều cho thấy các lô vắc-xin này là an toàn.
Trẻ được thăm khám kỹ trước khi tiêm vắc-xin Quinvaxem tại TP. Đà Lạt. |
PV: Dự kiến sang năm 2014, kinh phí dành cho Chương trình TCMR có thể sẽ giảm bớt gần một nửa. Vậy chương trình sẽ phải cắt giảm đi những hoạt động gì, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Theo kế hoạch dự kiến năm 2014, kinh phí dành cho TCMR có thể sẽ bị cắt giảm khoảng 40%, từ 240 tỉ năm 2013 xuống còn 144 tỉ năm 2014. Điều này sẽ dẫn tới nhiều khó khăn và thách thức cho Dự án TCMR: sẽ không triển khai được tiêm nhắc lại bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 và sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi; giảm 70% tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản; không tiêm vắc-xin tả, thương hàn ở một số vùng có nguy cơ cao; thiếu 20% vốn đối ứng cho việc nhận tài trợ vắc-xin Quinvaxem nên số trẻ được tiêm vắc-xin này sẽ giảm đi; không có kinh phí triển khai như truyền thông, tập huấn mới và tập huấn liên tục cho cán bộ y tế, giám sát bệnh và tỷ lệ tiêm chủng; thiếu kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị dây truyền lạnh… Với tình huống này, chắc chắn mục tiêu cam kết với thế giới về loại trừ bệnh sởi cũng như khống chế viêm gan B trong cộng đồng dưới 1% dân số vào năm 2017 và nhiều chỉ tiêu khác của Dự án TCMR đã được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2012-2015 sẽ không đạt được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Linh (thực hiện)
Kết quả giám sát phản ứng sau tiêm chủng ở Hà Nội tháng 11/2013 ghi nhận được 113 ca có phản ứng trên tổng số 47.000 trẻ được tiêm. Trong đó, 37 trường hợp đến cơ sở y tế và đều đã xuất viện. Không có trường hợp nào phản ứng nặng, sốc phản vệ hoặc tử vong. Phổ biến nhất là sốt cao 38,50C (tỷ lệ phản ứng trên tổng số trẻ được tiêm là 0,18%), sau đó là quấy khóc (0,05%), sưng đau đỏ tại chỗ (0,03%); tím tái (0,03%), co giật (0,02%). |