Hà Nội

Vắc xin phòng cúm gia cầm cho người do VN sản xuất sắp đưa vào sử dụng

20-12-2016 08:51 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Chủng vi rút cúm A/H5N1 được cho là chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Do đó, người dân phải hết sức chú ý cảnh giác để tránh nhiễm bệnh, nhất là trong dịp cuối năm cận kề, lượng tiêu thụ gia cầm tăng cao.

Chủng cúm độc lực cao, nhiều biến chứng

Tại buổi trực tuyến “Phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người”, ThS. Nguyễn Thị Hường, Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo các số liệu được ghi nhận, chủng vi rút cúm A/H5N1 là chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bởi lẽ, đây là vi rút có độc lực cao, khi nhiễm vào người thì thường gây các triệu chứng lâm sàng rất nặng như: suy hô hấp nhanh dẫn đến tử vong.

Vi rút cúm này thường lưu hành phổ biến trên các đàn thủy cầm (vịt, ngan…) và các loài chim hoang dã. Do đó, bệnh khó kiểm soát dứt điểm trên gia cầm dẫn đến luôn thường trực nguy cơ lây sang người. Tỷ lệ tử vong/tỷ lệ mắc rất cao, theo thống kê có thể lên tới 50%.

cúm gia cầmCuối năm, cần đề cao cảnh giác nhiễm cúm gia cầm. Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, những biến chứng nguy hiểm có thể kể đến khi mắc bệnh cúm A/H5N1 đó là biến chứng hô hấp (thường gặp là tắc nghẽn đường thở (ở trẻ em), viêm phổi do vi-rút cúm, nhiễm trùng thứ phát) và biến chứng ngoài phổi (gồm viêm cơ, viêm cơ tim, viêm não, tổn thương gan và hệ thần kinh…).

Trong đó, biến chứng hô hấp là chủ yếu và nặng nhất là viêm phổi tiên phát và thứ phát. Viêm phổi tiên phát do bản thân vi rút cúm là nặng đặc biệt: sốt cao nhiệt độ không giảm vào ngày 3-5 mà tiếp diễn, kèm khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn, rồi tử vong.

Viêm phổi thứ phát do vi khuẩn bội nhiễm gây nên liên cầu, phế cầu, heamophilus influenzae, tụ cầu vv..., gặp ở những đối tượng có nguy cơ cao, người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính về phổi, tim, thận, thể hiện như sau: bệnh cúm dịu được 2-3 ngày lại thấy thân nhiệt tăng, ho, thở gấp với các triệu chứng đông đặc phổi, khám và xét nghiệm máu thấy bạch cầu máu tăng tăng 10-15.000/mm3, bạch cầu trung tính tăng.

"Người mắc bệnh cúm gia cầm thường xuất hiện các triệu chứng của bệnh sau 1-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm bệnh với một số triệu chứng cơ bản: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu. Đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho, no, đau họng. Đau nhức cơ bắp.

Một số bệnh nhân có triệu chứng đau mắt, buồn nôn, khó thở. Do diễn biến nhanh và tính chất nghiêm trọng của bệnh, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong. Vì thế, với những người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm trong vòng 2 tuần trước khi biểu hiện bệnh, khi có một trong các dấu hiệu trên nên đến các cơ sở y tế khám và được tư vấn"- ông Minh khuyến cáo.


Ảnh minh họa.

Sắp có vắc xin phòng cúm gia cầm trên người

Theo ông Minh, hiện nay, vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm trên người đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ được đưa vào sử dụng sớm trong thời gian tới.

Lây nhiễm cúm gia cầm giữa người và người - Chưa có bằng chứng rõ ràng

Theo ông Minh, cho đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự lây nhiễm cúm gia cầm giữa người và người. Mặc dù theo quan sát cũng chỉ ra một số vụ dịch có nhiều bệnh nhân trong cùng một gia đình.

Vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông). Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh. Hoặc qua ăn, uống: Thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...

Để phòng bệnh cúm nói chung, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC) khuyến cáo, người dân nên tiêm vắc xin cúm hàng năm trước khi mùa cúm bắt đầu. Ở Việt Nam, mùa cúm điển hình bắt đầu từ tháng 12 tới tháng 2. Vắc xin nên được tiêm 2-6 tuần trước khi mùa cúm bắt đầu, điều này cho phép cơ thể có đủ thời gian hình thành miễn dịch. Người lớn chỉ cần 1 liều vắc xin hàng năm, nhưng với những trẻ từ 6 tháng tới 9 tuổi mà chưa được tiêm trước đó thì nên tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 1 tháng.

Vắc xin mỗi mùa cúm gồm 3 chủng vi rút có khả năng dễ gặp nhất trong mùa cúm tới, vắc xin có hiệu quả từ 70-90% đối với người dưới 65 tuổi. Vì đáp ứng miễn dịch giảm bớt phần nào theo độ tuổi, những người trên 65 tuổi không thể nhận được mức bảo vệ như vậy từ vắc xin, nhưng thậm chí nếu họ tiếp xúc vi rút cúm, thì vắc xin cũng giúp làm giảm bớt mức độ nặng và phòng các biến chứng.

Về điều trị các bệnh do cúm gia cầm gây ra, theo ông Minh, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Hiện tại, thuốc Tamiflu là loại thuốc chống vi rút có hiệu quả cao trong điều trị cúm A và được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân bị mắc cúm gia cầm. Tamiflu với tên hoạt chất là Oseltamivir của Thuỵ Sĩ là loại thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của vi rút, từ đó kìm hãm sự phát triển của vi rút cúm. Hiện Tamiflu được dùng cả để dự phòng cho những người phơi nhiễm với cúm gia cầm.

Để phát hiện sớm bệnh cúm gia cầm, ông Minh khuyến cáo người dân cần chú ý đến tiền sử dịch tễ liên quan đến gia cầm trong vòng 2 tuần trước khi khởi phát bệnh. Sau đó cần đến ngay cơ sở y tế để có thể được điều trị sớm  bằng thuốc kháng vi rút và các thuốc hỗ trợ khác theo phác đồ. Nếu không may bị bệnh do cúm gia cầm, người dân không cần thiết phải kiêng các thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm. Tuy nhiên, khi sử dụng thì cần chú ý lựa chọn gia cầm khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt cần phải nấu chín trước khi sử dụng.

Trong mùa Đông xuân, dịch cúm trên gia cầm thường phát triển mạnh. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Cảnh báo: Nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người

Thế giới hiện ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, mức độ lây lan ngày càng tăng đang trở thành vấn đề báo động toàn cầu. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật sang người.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các bệnh lây truyền từ gia cầm sang người đáng lo ngại nhất gồm 5 bệnh: bệnh cúm gia cầm; bệnh dại (lây chủ yếu từ chó, mèo); bệnh liên cầu lợn; bệnh than (hay còn gọi là bệnh nhiệt thán chủ yếu lây từ trâu, bò bị bệnh) và bệnh xoắn khuẩn vàng da (lây chủ yếu từ lợn bị bệnh xoắn khuẩn vàng da, dân gian thường gọi là bệnh lợn nghệ).


D.Hải
Ý kiến của bạn