Vắc xin phòng chống nCoV: Việt Nam đã có thể nghĩ tới!

08-02-2020 17:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 7/2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng vi rút corona (nCoV) trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây cũng sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại vi rút này trong tương lai.

PGS. TS. Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – người trực tiếp phụ trách lĩnh vực vi rút học đã dành riêng cho phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống cuộc phỏng vấn về tầm quan trọng cũng như quá trình các nhà khoa học Việt Nam đã nuôi cấy thành công vi rút nCoV để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa PGS, thành công của ngày hôm nay chắc hẳn “được” đánh đổi bằng công sức những ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Việt Nam?

PGS. TS. Lê Quỳnh Mai: Kết quả  phân lập vi rút 2019-nCoV của chúng tôi có được hôm nay là sự kế thừa các kinh nghiệm của các GS, những người thầy về vi sinh Y học Việt Nam như GS Hoàng Thuỷ Nguyên, GS. Đặng Đức Trạch, GS. Huỳnh Phương Liên và nhiều nhà khoa học khác.

Chúng tôi đã tham gia vào công tác phòng chống dịch từ những ngày đầu, thông tin về virut mới này rất hạn chế, các hệ thống chẩn đoán chưa  nhiều, chưa hoàn thiện, vừa làm vừa đánh giá nên nhiều người thắc mắc tại sao kết quả chẩn đoán rất lâu. Chúng tôi cũng rất áp lực về thời gian chẩn đoán, nhưng tại  thời điểm đó, việc khẳng định những trường hợp nhiễm 2019-nCoV đầu tiên phải thật chắc chắn, và giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) là lưạ chọn hàng đầu vì có thể giúp khẳng định được có  vật liệu di truyền của vi rút trong mẫu bệnh phẩm lâm sàng, cho dù không có trình tự gen đối chứng. Thực tế, khi chúng tôi bắt đầu có duy nhất một trình tự gen của vi-rút 2019-nCoV được công bố, vì vậy yêu cầu phân lập vi rút được đặt ra ngay từ bắt đầu vụ dịch.

Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng nghiên cứu viên đứng cạnh kính hiển vi điện tử - nơi phát hiện hình ảnh vi rút 2019-nCoV trong mẫu bệnh phẩm.

Sử dụng NGS cũng là một thách thức, công việc này cần vô cùng nhiều thời gian, với hệ thống giải trình tự thế hệ mới (NGS) tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cần tới 3 ngày sau mới có kết quả và hết sức tốn kém (khoảng 25 triệu cho 1 xét nghiệm). Và để có thể thực hiện các kỹ thuật này, các cán bộ của khoa vi rút đã được đào tạo từ rất lâu, và cũng phải thực hành rất nhiều để có thể thành thạo thao tác, đảm bảo có thể thu được kết quả có độ tin cậy, giảm thiểu các tín hiệu nhiễu, phân tích được kết quả. Đó là cả một quá trình dài, không thể tính bằng ngày hoặc giờ.

PV: Có kỹ thuật nào ít tốn kém hơn với độ chính xác gần tương đương không thưa PGS?

PGS. TS. Lê Quỳnh Mai: Hiện nay các kỹ thuật sinh học phân tử (PCR- phản ứng chuỗi polymerase)  được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán phát hiện tác nhân bệnh truyền nhiễm nhanh, đảm bảo độ tin cậy. Vi rút 2019-nCoV cũng được áp dụng phương pháp này, tuy nhiên là vi rút có vật liệu di truyền là sợi đơn RNA nên phương pháp sinh học phân tử được áp dụng là RT-PCR và nếu sử dụng hệ thống  máy  realtime RT-PCR thì thời gian có thể rút ngắn hơn RT-PCR thông thường.  Phương pháp này có thể phát hiện đoạn gene đặc hiệu của vi sinh vật được gọi là đoạn gene đích  khi so sánh với mẫu chứng dương (positive control) của vi sinh vật cần phát hiện, vì vậy trong phương pháp sinh học phân tử real time -RT- PCR , hệ thống mồi/probes và chứng dương là những thành phần quan trọng không thể thiếu.

PV: Phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu khái niệm  “mồi”  trong chẩn đoán vi-rút là gì? Xin PGS giải thích cho độc giả của SK&ĐS hiểu rõ hơn về thuật ngữ “mồi” và “chứng dương”?

PGS. TS. Lê Quỳnh Mai: Phản ứng PCR (phản ứng chuỗi polymerasea) với nguyên lý  sử dụng  polymerase để khuếch đại gen đích bằng các chu trình nhiệt, để phát hiện và kéo dài gen đích phải sử dụng một chuỗi oligo nucleotide để tìm và bám vào gen đích, chuỗi oligonucleotide này được gọi là mồi (primer).  Trong phản ứng realtime PCR, ngoài hệ thống mồi còn có thêm probes (đầu dò gắn tín hiệu quang học) đi kèm để phát hiện đoạn gen đích  đã được “mồi” phát hiện và khuếch đại rồi thông báo bằng các tín hiệu quang học, hệ thống máy sẽ thu các tín hiệu đó và trình chiếu trên màn hình. Vì vậy, thiết kế được hệ thống primer/probe đặc hiệu thì phải có thông tin chính xác về hệ gen của vi sinh vật cần phát hiện, và nếu vi sinh vật nào thông tin về hệ gen công bố nhiều thì hệ thống mồi/probe thiết kế càng hợp lý và có thể phát hiện chính xác gen đích.

Cán bộ phòng thí nghiệm đang tách mẫu chuẩn bị cho xét nghiệm

Hệ gen của các vi sinh vật đều được cấu trúc bằng 4 nucleotid ( A,T,G,C) và chỉ khác nhau về trình tự sắp xếp của 4 nucleotid này trong hệ gen, trong hệ gen có rất nhiều đoạn có trình tự giống nhau và giống hệ gen của các vi sinh vật khác. Chẩn đoán bằng phương pháp sinh học phân tử là tìm đoạn gen đặc hiệu (chỉ có ở vi sinh vật đó) gọi là gen đích, và chứng dương có trong phản ứng PCR để xác định phản ứng đã kết thúc tốt và là mẫu chuẩn để xác định các mẫu dương tính khi có các sản phẩm  PCR hoặc tín hiệu huỳnh quang tương tự chứng dương.

Với trường hợp 2019-nCoV, hiện tại do các thông tin về hệ gen của vi rút được công bố rất hạn chế (có khoảng 10 trình tự hệ gen) nên việc thiết kế hệ thống primer/probes chủ yếu dựa trên các trình tự gen đã công bố và trình tự gen của vi rút SARS-CoV nên  hệ thống  primer/probes chưa phải là tối ưu, nên độ nhạy và độ đặc hiệu chưa được như mong muốn. Vì vậy, trong chẩn đoán nhiễm 2019-nCoV hiện tại, phải thực hiện 3 phản ứng để tìm 3 gen đích (E, RdRp và N) của vi rút.

Ngoài ra, do việc phân lập vi rút 2019-nCoV thành công chưa nhiều, nên chứng dương hiện tại trong các hệ thống chẩn đoán là SARS-CoV hoặc protein mô phỏng cho gen đích, vì vậy , kết quả phản ứng chưa ổn định và có thể phải lặp lai trong một số trường hơp.

Viêc phân lập ra vi rút hoàn chỉnh 2019-nCoV của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ cung cấp chứng dương của chính vi rút và sẽ hoàn thiện hệ thống chẩn đoán bằng phương pháp sinh học phân tử.

Ngoài ra, giải trình tự hệ gene của vi rút hoàn chỉnh cũng sẽ bổ sung dữ liệu cho ngân hàng gen và giúp phát triển các hệ thống primer/probe tối ưu hơn sau này.

PGS. TS. Lê Quỳnh Mai tin tưởng về khả năng chế tạo vắc xin 2019-nCoV và nói vui về cách tiêm phòng.

PV: Vậy chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai gần Việt Nam sẽ chế tạo thành công vắc xin phòng vi rút 2019-nCoV?

PGS. TS. Lê Quỳnh Mai: Xin nói thêm để bạn hiểu: Việc nuôi cấy một vi rút có độ ổn định chưa rõ như 2019-nCoV là rất khó. Để thành công trong nuôi cấy vi rút, chúng ta còn phải lựa chọn tế bào cảm nhiễm phù hợp cho vi rút phát triển và nhân lên. Nếu tế bào sử dụng cho nuôi cấy không phù hợp, vi rút có thể tiêu diệt luôn tế bào đó với tốc độ cao hoặc vi rút không thể nhân lên được. Vì vậy bí quyết về chọn loại tế bào phù hợp và quy trình nuôi cấy cho vi rút nhân lên đôi khi bị giữ lại phục vụ cho mục đích nghiên cứu mà không chia sẻ nên các nhóm nghiên cứu khác không thể phát triển được. Việt Nam rất may mắn có được kinh nghiệm cũng như được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước nên đã thành công phân lập được vi rút. Hệ thống nuôi và khuếch đại vi rút rất quan trọng trong nghiên cứu, chẩn đoán và sản xuất vacxin. Tại Việt nam, các kinh nghiệm nghiên cứu lựa chọn chủng vắc xin, hệ thống nuôi cấy và và phát triển, sản xuất vắc xin trong nước đã được quốc tế ghi nhận với nhiều thành công, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai gần sẽ có vắc xin phòng chống 2019-nCoV.

PV: Trân trọng cám ơn PGS về cuộc trao đổi này!


Thuý Linh (thực hiện)
Ý kiến của bạn