Vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất luôn sẵn có trong hệ thống TCMR

09-03-2015 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Văn Cường - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Văn Cường - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia với phóng viên báo Sức khoẻ&Đời sống trước “cơn sốt” ảo về tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ thời gian qua.

Sau một vài sự cố trong tiêm chủng cộng với tác động của nhiều luồng dư luận trái chiều đã khiến các bậc cha mẹ hoang mang, e ngại không muốn cho con em mình đi tiêm chủng miễn phí mà chuyển sang tiêm vắc-xin dịch vụ.

Tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều gia đình đã đổ xô tới các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ cho trẻ. Điều này đã khiến cho các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ trở nên quá tải, thiếu cơ sở vật chất và đặc biệt là tình trạng thiếu vắc-xin. Trong khi việc cung ứng vắc-xin này cho các điểm tiêm chủng dịch vụ thời gian qua không được ổn định do một số nhà sản xuất vắc-xin thay đổi địa điểm, dây chuyền sản xuất nhằm cải tiến chất lượng hiện hành, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, một số lô vắc-xin bị hỏng trong quá trình sản xuất dẫn đến khan hiếm vắc-xin nên không thể đáp ứng ngay được nhu cầu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều trẻ không được tiêm, tiêm muộn hơn so với lịch hoặc tiêm không đủ liều vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế gây nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Trẻ em cần phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch trong chương trình TCMR.

Giám sát dịch bệnh của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt, thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9-12 tháng tuổi (trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi - Rubella nhưng lại không được tiêm vắc-xin sởi khi trẻ đến 9 tháng tuổi). Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ là rất nguy hiểm. Chỉ cần chờ đợi 1-2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh. Nhận định về việc này, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo: “Các loại vắc-xin trong chương trình TCMR luôn đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế Thế giới. Người dân không nên hoang mang hay bức xúc, càng không nên chờ đợi vào vắc-xin dịch vụ khiến con em mình mắc bệnh, rất đáng tiếc. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc chương trình TCMR không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng”.

Vắc-xin trong chương trình TCMR được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng, chất lượng và an toàn.

Khác với vắc-xin trong chương trình TCMR được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc-xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Vì vậy, chỉ khi có đơn đặt hàng, các hãng dược mới sản xuất. Như vậy, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên cho đến khi các lô vắc-xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thường mất khoảng thời gian khá dài, có khi vài tháng nên rất dễ xảy ra tình trạng khan hiếm.

Hiện nay, đã có 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin phòng bệnh trong chương trình TCMR (trong đó cũng có vắc-xin phối hợp Quinvaxem phòng 5 bệnh: bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm não, màng não do Hemophilus influenza typ B) trong khi các mũi tiêm dịch vụ 5 trong 1 hay 6 trong 1 chỉ phòng được 5-6 bệnh. Nghĩa là tiêm dịch vụ hoàn toàn không ngừa được nhiều bệnh hơn các trẻ tiêm chủng đều đặn trong các đợt tiêm chủng của chương trình TCMR. Điều này đồng nghĩa với việc các trẻ tiêm dịch vụ muốn phòng các bệnh nguy hiểm khi tiêm vắc-xin dịch vụ xong vẫn còn phải tiêm vắc-xin miễn phí những loại vắc-xin còn thiếu. Hơn nữa, rằng tiêm vắc-xin dịch vụ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra tai biến như vắc-xin miễn phí. TS. Kohei Toda - chuyên gia về vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện nay, cả vắc-xin dịch vụ lẫn vắc-xin tiêm chủng miễn phí đều có quy trình kiểm định như nhau và “không có loại vắc-xin nào là an toàn 100%”.

Trong 29 năm thực hiện Chương trình TCMR, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc-xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới. Tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2012 với năm 1984 thấy: Bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần. Ước tính đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi, góp phần đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015.

“Nhu cầu vắc-xin và các dụng cụ tiêm chủng trong TCMR được dự trù, lập kế hoạch và cung cấp luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Cần cân nhắc khi sử dụng vắc-xin dịch vụ, đặc biệt khi việc cung ứng vắc-xin dịch vụ không kịp thời vì nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch thì có thể sẽ bị mắc bệnh trước khi được tiêm vắc-xin vì phải chờ. Để phòng bệnh cho trẻ thì tốt nhất cần cho trẻ được tiêm đúng lịch hoặc càng sớm càng tốt khi tới tuổi cần phải tiêm. Vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất luôn sẵn có trong hệ thống TCMR”, TS. Nguyễn Văn Cường - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án TCMR Quốc gia nhấn mạnh.

Linh Giang

 

 

 

Ý kiến của bạn