Theo Tạp Chí Y Học Thực Hành thuộc Bộ Y Tế Việt Nam cho biết, trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 270 ngàn bệnh nhân ung thư cổ tử cung tử vong. Ung thư cổ tử cung là ung thư sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ tại các nước Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư cổ tử cung cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm có đếnhơn 6 ngàn phụ nữ phát hiện bị ung thư cổ tử cung và cứ mỗi ngày thì có 9 phụ nữ chết vì căn bệnh này.
Với sự ra đời của vắc-xin ngừa HPV có thể làm giảm nguy cơ ung thư và các tổn thương tiền ung thư trên phụ nữ trẻ. Mặc dù vậy, đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhất là ở Hoa Kỳ và xuất hiện một số cuộc chiến pháp lý ở Châu Âu. Điều gì khiến cho một vắc-xin đã chứng minh được sự hiệu quả và an toàn lại gây tranh cãi như vậy?
Nhìn chung, có thể chia những người chống đối vào hai nhóm riêng biệt. Nhóm đầu tiên là nhóm những người lo ngại về mặt đạo đức. Nhóm người này ủng hộ việc kiêng khem tình dục để phòng bệnh hơn là tiêm ngừa vắc-xin. Bên cạnh đó thì họ cũng cho rằng việc không còn sợ hãi bị nổi các mụn cóc sinh dục hoặc ung thư cổ tử cung sẽ khiến cho giới trẻ phóng túng hơn, và vắc-xin ngừa HPV gián tiếp khuyến khích các hành vi mà họ cho là vô đạo đức.
Tuy nhiên, các lo lắng và cáo buộc này mâu thuẫn với các dữ liệu thực tế. Có nhiều bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng sống một cách tiết chế là rất khó thực hiện. Thanh thiếu niên được tiêm vắc-xin ngừa HPV có xu hướng ý thức tốt hơn về sức khỏe tình dục so với những người không tiêm chủng. Các nghiên cứu về hoạt động tình dục trong các nhóm tuổi teen được tiêm phòng và không được tiêm phòng cho thấy không có sự gia tăng hoạt động tình dục ở nhóm được tiêm phòng.
Nhóm thứ hai phản đối là những người lo ngại về sự an toàn. Giống như tất cả các loại vắc-xin, vắc-xin ngừa HPV đã được thử nghiệm rộng rãi trong nhiều năm qua và liên tục theo dõi các tác dụng phụ. Bằng tất cả các biện pháp đo lường đã cho thấy vắc-xin này là an toàn và hiệu quả, các tỷ lệ tác dụng phụ là rất thấp. Sự an toàn và hiệu của của vắc-xin ngừa HPV đã được chứng minh bởi rất nhiều nghiên cứu độc lập, bao gồm một báo cáo năm 2015 dựa trên dữ liệu thu thập được từ hơn 1 triệu cá nhân, đã chỉ ra rằng vắc-xin ngừa HPV là an toàn.
Mặc dù vậy, các báo cáo đáng lo ngại về sự “nguy hiểm” của vắc-xin vẫn lưu hành. Một số trong số này dựa trên một số hiểu lầm cơ bản, chiếm một tỷ lệ đáng kể là việc chia sẻ các phản hồi trực tuyến và trên mạng xã hội. Thậm chí có những cáo buộc cho rằng vắc-xin HPV gây ra tụ huyết và chứng mệt mỏi mãn tính. Tuy nhiên những cáo buộc này được khẳng định là không có căn cứ và không liên quan đến HPV.
Sở dĩ có những cáo buộc trên là do tất cả những ai tiêm vắc-xin (bao gồm vắc-xin ngừa HPV và các loại vắc-xin khác) đều có đủ điều kiện để báo cáo bất kỳ triệu chứng nào sau khi tiêm chủng.
Khi người tiêm vắc-xin thông báo triệu chứng của họ trên website, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ ) sẽ tiến hành điều tra phân tích các trường hợp cho dù nó có liên quan đến vắc-xin hay không. Một số trường hợp báo cáo có tác dụng phụ và hầu hết đây là các trường hợp có tác dụng phụ không đáng kể có thể xảy ra sau khi tiêm chủng. Các trường hợp nghiêm trọng được kết luận rằng không có liên quan đến vắc-xin HPV.
Cuối cùng CDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ ) và FDA kết luận rằng vắc-xin vẫn an toàn và khuyến khích tiêm ngừa vì đây là cách hiệu quả nhất để phòng chống ung thư cổ tử cung.