Vắc xin COVID-19, “lá chắn” cần thời gian kích hoạt

17-03-2021 09:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Lô vắc xin COVID-19 đầu tiên về Việt Nam, kế hoạch tiêm chủng. lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu liều cùng những dấu mốc quan trọng trong công tác nghiên cứu vắc xin trong nước đã và đang được kỳ vọng giúp đẩy lùi dịch bệnh trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia, tuy có vắc xin nhưng không được chủ quan, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn.

Cuộc đua trên toàn thế giới

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 8/1/2021, đã có 03 loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt ở Châu Âu và ở Mỹ, bao gồm: (1) tozinameran (ComirnatyTM) của BioNTech/Pfizer (trước đây gọi là BNT162b2); (2) mRNA-1273 của Moderna; (3) ChAdOx1 nCoV-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca.

Vắc xin COVID-19

Ngoài 03 loại vắc xin đã được phê duyệt từ Châu Âu và Mỹ kể trên, còn có 03 ứng cử viên vắc xin khác đã được chấp thuận (không phải bởi FDA hay EMA (European Medicines Agency) mặc dù dữ liệu chưa đầy đủ hoặc chưa được công bố bao gồm: BBIBP-CorV (30/12/2020) từ Trung Quốc, Covaxin (3/01/2021) từ Ấn Độ và Sputnik-V (28/12/2020) từ Nga; bên cạnh đó tính đến đầu tháng 1/2021, có 63 ứng viên vắc xin chống lại SARS-CoV-2 đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng và 172 ứng viên trong giai đoạn phát triển tiền lâm sàng.

Tại nước ta hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN). Trong đó, NANOGEN đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 02. Vắc xin phòng Covid-19 mang tên COVIVAC do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển dự kiến dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 3-2021, được hoàn thành vào tháng 10-2021. Với nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã đặt những dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển vắc xin COVID-19 “Made in Vietnam”.

Hy vọng nhưng vẫn phải chủ động

Phỏng vấn nhanh người dân tại một số địa phương, thông tin về lô vắc xin COVID-19 đầu tiên về Việt Nam cùng những bước tiến trong công tác nghiên cứu vắc xin của Việt Nam mang đến nhiều nhận định tích cực từ người dân. Nhưng tựu trung đó là niềm vui, niềm hy vọng về dịch bệnh được đẩy lùi cùng niềm mong mỏi cuộc sống được trở lại bình thường sau một khoảng thời gian có quá nhiều biến động.

Vắc xin COVID-19

Chị N.T.A.N tại quận Phú Nhuận TP.HCM nói: “Nghe tin có vắc xin thì chắc ai cũng mừng chứ không chỉ riêng mình đâu; giờ chỉ mong sao sớm tiêu diệt được con virus này chứ nó cứ quay đi quay lại hoài thì khổ lắm”. Chị chia sẻ thêm: “Giờ thì phải ưu tiên cho bác sĩ với những người chống dịch. Còn mình thì cứ chủ động đeo khẩu trang, rửa tay… để tự bảo vệ mình trước”.

Theo các chuyên gia, để chống dịch COVID-19, thì vắc xin ngừa COVID-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế cho thấy các nước bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đã có hiệu quả, tuy nhiên không thể vì có vắc xin mà chủ quan lơ là phòng dịch, vì sau khi tiêm mũi vắc xin thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vắc xin. Để đạt được hiệu quả bảo vệ cộng đồng cần thời gian để gia tăng độ phủ của vắc xin trong cộng đồng do đó vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại Nghị quyết 21/NQ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định 09 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí vắc xin phòng COVID-19 gồm:

1.Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế.

- Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

- Quân đội, công an.

2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

3. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

4. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

5. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

6. Người sinh sống tại các vùng có dịch.

7. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

8. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

9. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Đồng thời, Nghị quyết này cũng quy định ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

TUẤN DŨNG
Ý kiến của bạn