Đây là một trong rất nhiều trường hợp bị chấn thương khi chơi thể thao mà Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao phải xử lý.
Theo Ths. BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, BV Việt Đức, hàng ngày anh và các đồng nghiệp trong khoa phải xử lý rất nhiều trường hợp chấn thương khi chơi thể thao. Trong những năm gần đây các chấn thương, tai nạn trong khi chơi thể thao ngày càng tăng lên.
Một trong những bệnh nhân đang điều trị tại đây là anh L.T.K, 25 tuổi, ở Hà Nội bị chấn thương do đá bóng. Nam thanh niên kể lại, cách đây 3 tháng trong một trận đá bóng với bạn bè, do mải mê với trái bóng anh K và bạn có va chạm. Ngay lúc đó, anh K. cảm thấy rất đau, đầu gối bị sưng to, anh được xử lý bằng cách chọc dịch ở đầu gối. Sau đó bệnh nhân vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, sau 1 tháng ở vị trí tổn thương, anh K. vẫn rất đau, cơ teo đi, đầu gối lỏng, sức khoẻ yếu dần, đi khám và chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chẩn đoán anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối.
Theo BS Hải, đứt dây chằng chéo đầu gối là bệnh thường gặp ở những người chơi thể thao, đáng tiếc là bệnh nhân đến bệnh viện muộn nên phải chịu những cơn đau khá lâu, làm suy giảm sức khỏe. Khi nhập viện, bệnh nhân đã được bác sĩ của khoa phẫu thuật và chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có thể bắt đầu tập phục hồi chức năng.
Ths. BS Phan Bá Hải cho biết, với các trường hợp như ca bệnh này, khả năng phục hồi hoàn toàn lên tới 95-98%. Sau khi ra viện, bệnh nhân phải tập phục hồi chức năng trong vòng 3 tháng bằng các bài tập như đi bộ, đạp xe, nếu bệnh nhân khỏe hơn có thể chạy bộ nhẹ tùy thể lực. Từ tháng thứ 4 có thể tăng dần cường độ tập luyện và trong vòng khoảng trên dưới 1 năm người bệnh sẽ bình phục hoàn toàn, có thể đá bóng trở lại.
"Để phòng tránh các chấn thương thể thao, người dân khi tập bất cứ môn thể thao nào điều quan trọng nhất là cần khởi động thật kỹ, nhất là ở vị trí các khớp phải vận động. Thứ hai là lựa chọn tập các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi với thể lực của mình. Thứ ba là chọn cường độ tập vừa phải và cần mang trang phục, giày, đồ bảo hộ phù hợp với môn thể thao ", Ths. BS Phan Bá Hải lưu ý.
Ví dụ như bơi lội cần biết bơi hoặc có người hướng dẫn, nếu không phải biết sơ cứu đuối nước cơ bản. Các môn như cầu lông, đá bóng, tennis… có nguy cơ gặp chấn thương ở các chi. Người tập cần nhớ các nguyên tắc sơ cứu đơn giản trong chấn thương thể thao mức độ nhẹ, để tránh tổn thương nặng hơn như nghỉ ngơi, chườm đá, băng chun và gác cao chi thể, Ths. BS Phan Bá Hải khuyên.
Với những chấn thương thể thao dạng gãy xương, "Người hỗ trợ cần phải tìm một cái nẹp hoặc vật gì đó thẳng, sạch để làm giá đỡ, nẹp bộ phận bị gãy và đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất. Người dân tuyệt đối không tự nắn chỉnh xương gãy vì có thể làm tình trạng nặng hơn", BS Hải nói.
Tại Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, các y bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp tổn thương nhẹ nhưng người dân không đến các cơ sở y tế mà đi tìm đến các phương pháp như bó lá, bó thuốc. Đã có trường hợp bó lá khi đến bệnh viện để lại di chứng nặng. Bệnh nhân chỉ bong gân nhưng lựa chọn cách bó lá chữa bệnh. Chỉ ít ngày sau, bệnh nhân bị kích ứng da dẫn đến hoại tử, việc xử lý cực kỳ khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức để chữa trị.