V-pop: Nhạt nhòa sắc màu ban nhóm

04-08-2010 3:10 PM | Văn hóa – Giải trí

Trong khi trào lưu xây dựng nhóm hát thần tượng đang rầm rộ ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản thì ở Việt Nam,

Trong khi trào lưu xây dựng nhóm hát thần tượng đang rầm rộ ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản thì ở Việt Nam, tình hình có vẻ trái ngược: các nhóm hát cũ tan rã dần, nhóm hát mới ít xuất hiện. Số ban nhóm còn tồn tại hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khả năng trong thời gian dài sắp tới, V-pop sẽ trở thành một thị trường âm nhạc không ban nhóm!

Èo uột và thưa thớt

Làng nhạc Việt đang bùng nổ các gương mặt ca sĩ trẻ nhưng lại khan hiếm nhóm hát – đó là một thực tế mà ai cũng có thể nhận thấy khi theo dõi các chương trình biểu diễn ca nhạc lớn nhỏ trên khắp cả nước thời gian gần đây. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy mấy cái tên 5 Dòng Kẻ, Mắt Ngọc, Mây Trắng, Cỏ lạ, Mặt Trời Đỏ, Mặt Trời Mới, Nhật Nguyệt... Các ban nhóm này giữ vị trí thống trị, độc tôn trong những chương trình biểu diễn cần có nhóm hát cho thêm sắc màu hay để làm phong phú sân khấu.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, ngay cả số nhóm hát ít ỏi này cũng đang hoạt động èo uột, thiếu dấu ấn, thiếu lối đi riêng, thiếu sáng tạo, thiếu những thể nghiệm mới và có nguy cơ tan rã, suy yếu dần. 5 Dòng Kẻ, Mắt Ngọc thì mê mải chạy show nước ngoài, thời gian dài gần đây không có ca khúc “hit” hay hoạt động nào nổi bật trong nước khiến vị trí của nhóm trong lòng fan nhạc Việt tụt hạng trầm trọng. Không khó để nhận thấy Mây Trắng của hiện tại chẳng khác mấy so với 10 năm trước. Mặt Trời Đỏ và Mặt Trời Mới cũng chẳng khởi sắc hơn và rơi vào bế tắc vì sự lặp lại chính mình. Theo nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, chính sự nhàm chán trong phong cách biểu diễn mà nguyên nhân là việc khủng hoảng ca khúc đã khiến các nhóm hát có thương hiệu ngày càng nhạt nhòa trong lòng công chúng.

Trong khi đó, hầu như không thấy nhóm hát mới nào xuất hiện, có xuất hiện thì cũng chỉ hoạt động chập chờn. Như nhóm V.Music thành lập cuối năm 2009 gồm 4 chàng trai trẻ của TP. HCM nhưng hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đào tạo và rèn luyện. Thực tế trên khiến cho hình ảnh các nhóm hát trên thị trường âm nhạc Việt Nam không còn nhiều màu sắc và sôi động như các năm trước.

 Nhóm 5 Dòng Kẻ.

Sự “ngược đường” của làng nhạc Việt?

Sự thật là chi phí cho một nhóm hát 4 - 5 thành viên thường cao hơn nhiều so với ca sĩ hát đơn khiến cho sự xuất hiện của các nhóm hát trong nhiều chương trình biểu diễn bị hạn chế. Với các show diễn nhỏ, thay vì mời một nhóm hát, ông bầu có thể mời vài ca sĩ. “Như vậy, vừa bảo đảm kéo dài thời lượng chương trình vừa tiết kiệm được tiền cát-xê” - một ông bầu ca nhạc tâm sự. Mặt khác, nếu muốn thay đổi, đơn giản như trang phục hay phong cách biểu diễn, các thành viên nhóm nhạc đều phải có sự chuẩn bị từ trước. Có nghĩa là cơ hội “làm mới” của nhóm nhạc không nhiều bằng ca sĩ solo. Từ điều kiện phát triển nội thân đến các điều kiện khách quan để một nhóm hát tồn tại được, tất cả đều khó hơn nhiều so với một ca sĩ hát đơn.Không dễ để kiếm show diễn, hạn chế tự do cá nhân, khó khẳng định tên tuổi cho riêng mình, nguy cơ rã nhóm luôn rình rập và khả năng phải tạo dựng sự nghiệp lại từ đầu rất lớn... Những lý do đó khiến cho các ca sĩ trẻ không mặn mà với mô hình hoạt động theo ban nhóm.

Ngược lại với sự èo uột của các ban nhóm nhạc Việt, nhiều nhóm nhạc thần tượng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay một số nước khác khu vực châu Á lại đang gây ấn tượng mạnh với hàng loạt hoạt động rầm rộ, thu hút đông đảo công chúng hâm mộ không chỉ trong nước mà còn ở khắp các quốc gia trong khu vực. Những thương hiệu ban nhóm đang thành công của châu Á hiện nay có thể kể đến như Phi Luân Hải, F4, S.H.E, SuJu, Big Bang, SNSD, Wonder Girls... Các nhóm hát thần tượng này đã tạo nên bộ mặt phong phú đa dạng, đồng thời góp phần vào sự phát triển của nền âm nhạc đất nước họ.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, xu hướng chung của thế giới hiện nay và trong thời gian tới là phát triển rầm rộ những nhóm hát đông thành viên (ít nhất là 5 người). Bởi mô hình này có ưu điểm nổi trội về hiệu ứng khuấy động sân khấu và khả năng thu hút ngay lập tức sự chú ý của khán giả. Thế nhưng, xem ra làng showbiz Việt đang đi ngược lại xu thế này khi các nhóm hát cứ lần lượt tan rã dù đã từng một thời rất nổi tiếng. Đồng ý rằng hợp tan là điều tất yếu, nhưng cái kiểu tan hợp các nhóm hát của ta thể hiện sự nóng vội và cảm tính, thiếu chuyên nghiệp và thiếu những chiến lược đầu tư hợp lý. Hy vọng trong thời gian tới, nhiều nhóm hát mới sẽ hình thành và tìm được một vị trí nhất định trong lòng người hâm mộ, như những gì các nhóm hát nước ngoài đã làm được, để làm phong phú hơn cho thị trường nhạc Việt và theo kịp những trào lưu phát triển của nền âm nhạc các nước trong khu vực.           

Quỳnh Trang


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH