V-League và sức mạnh của đồng tiền

02-10-2011 08:10 | Văn hóa – Giải trí

Vài năm trở lại đây, tốc độ leo thang và sức mạnh của đồng tiền ở V-League phát triển nhanh đến mức dường như không thể kiểm soát nổi.

Vài năm trở lại đây, tốc độ leo thang và sức mạnh của đồng tiền ở V-League phát triển nhanh đến mức dường như không thể kiểm soát nổi. Cũng chính sự phát triển bất thường này đã góp phần làm nên một nền bóng đá lộn xộn, khó kiểm soát, đặc biệt là trên sàn chuyển nhượng các cầu thủ.

V-League nhuốm màu tiền

Theo một thông kê mang tính chất tham khảo cho thấy, để một đội bóng tại V-League duy trì hoạt động ổn định cần có nguồn kinh phí khoảng 70 tỷ đồng trong một mùa giải. Nếu một đội bóng xuất phát từ giải hạng Ba (thấp nhất trong hệ thống thi đấu Việt Nam), muốn lên chơi tại V-League thì số tiền họ cần phải đầu tư không thể dưới 250 tỷ đồng kể từ khi bắt đầu manh nha tham vọng. Có thể khẳng định rằng, 250 tỷ đồng là một con số “quá sức”, nhất là khi các đội bóng Việt Nam không thể tìm ra nguồn thu nào đảm bảo nhằm bù lại cho số tiền mình đã đầu tư. Tuy nhiên, cũng từ đây người ta đã nghĩ ra cách đi tắt bằng việc mua lại các suất thi đấu ở các hạng đấu cao (thậm chí cả V-League) nhằm không phải trải qua khoảng thời gian ít nhất là 3 năm và một số tiền không nhỏ để hoàn thành giấc mơ V-League. Đơn cử như vụ Thanh Hóa mua lại Thể Công với số tiền được đồn thổi lên tới gần 100 tỷ đồng, tuy nhiên so với thống kê ở trên thì đây vẫn là con số quá rẻ và tiết kiệm thời gian hơn nhiều.

Không chỉ có vấn đề mua suất thi đấu, ở các mùa giải V-League, trong giai đoạn khốc liệt, có rất nhiều trận đấu nhuốm đầy màu tiền bạc. Thực tế cho thấy, khi các CLB bước vào thời điểm nhạy cảm quyết định thành bại, ước tính, nếu bị tụt hạng, giá trị thương mại của một đội bóng có thể mất đến vài chục tỷ đồng. Thế nên, không ngạc nhiên khi những ông bầu sẵn sàng chi ra hàng tỷ đồng để “khích lệ” các cầu thủ. Nổi bật nhất như việc lãnh đạo HP.HN thưởng đến 1,5 tỷ đồng, sau khi chứng kiến thầy trò HLV Nguyễn Thành Vinh giành 3 điểm trong trận “chung kết ngược” với V.Ninh Bình. Cũng chính những sự “khích lệ” này đã dần tạo cho các cầu thủ thói quen tính toán về tiền thưởng trước mỗi trận đấu.

 Việt Thắng đã bỏ túi gần 13 tỷ đồng sau hai lần chuyển nhượng.

Dấu hỏi về mục đích

Hiện nay, thay vì bận tâm đến ý nghĩa màu cờ sắc áo như thế hệ cha anh đi trước, không ít các cầu thủ có quan niệm rằng tranh thủ kiếm tiền mới là điều quan trọng nhất. Cầu thủ giờ đã quen với suy nghĩ ra sân sẽ được thưởng bao nhiêu nếu thắng, về CLB mới sẽ có được bao nhiêu tiền lót tay...

Ví dụ như trường hợp chuyển nhượng của Việt Thắng về B.Bình Dương với giá 9 tỉ đồng cho 3 năm hợp đồng, trong số tiền đó, Việt Thắng sẽ phải bỏ ra 2,5 tỉ để chuộc một năm hợp đồng còn lại với V. Ninh Bình và thêm 700 triệu chi phí bôi trơn. Như vậy, Việt Thắng sẽ bỏ túi cho riêng mình 6 tỉ đồng. Tính cả hợp đồng với Ninh Bình cách đây 2 năm, Việt Thắng đã bỏ túi khoảng 13 tỉ đồng cho hai hợp đồng liên tiếp.

Mới đây nhất, vụ chuyển nhượng Công Vinh về CLB bóng đá Hà Nội là cái kết chẳng ai lường, bởi trước đó, cầu thủ xứ Nghệ vẫn còn rất tự tin phát biểu về tình nghĩa của mình đối với đội bóng Hà Nội T&T và gần như chắc chắn rằng sẽ tiếp tục ở lại với CLB này. Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, người hâm mộ đã bất ngờ khi Công Vinh tuyên bố sẽ về với CLB Hà Nội (sáp nhập của Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội) với một mức tiền dự đoán là một kỷ lục trong chuyển nhượng tại V-League. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn đó là việc tạo ra vụ chuyển nhượng này là bầu Kiên - người đã lên án mạnh việc các ông “bầu” thường xuyên đi đêm, cố tình mua bằng mọi giá khiến giá cầu thủ nội vượt xa giá trị thực và thị trường chuyển nhượng nhiễu loạn. Nhìn lại vụ chuyển nhượng của Công Vinh, nếu con số chuyển nhượng là 12 - 15 tỉ chính xác thì “bầu” Kiên mới là người sở hữu bản hợp đồng đắt giá nhất. Liệu rằng giá trị thực của cầu thủ này có tới như vậy không, việc liên hệ với Công Vinh khi cầu thủ này công khai khẳng định đạt được thỏa thuận với Hà Nội T&T có bị xem là “đi đêm” hay không?

Đồng tiền đang dần thống trị tại V-League là một thực trạng không thể chối cãi ở bóng đá Việt Nam. Vẫn biết rằng, nếu không có tiền sẽ không thể duy trì cũng như lựa chọn những cầu thủ tốt cho đội bóng phát triển, tuy nhiên,  các ông bầu và đội bóng cần nhớ rằng, tiền chỉ là công cụ để “làm bóng đá”, công tác đào tạo cầu thủ trẻ và việc khai thác nguồn lực từ chính địa phương mới là điều quan trọng hơn cả.          

  Anh Nguyên


Ý kiến của bạn